Cơ sở hóa chất độc để xảy ra sự cố phải báo ngay chính quyền

22/09/2016 00:00

(TN&MT) – Cơ sở của tôi chuyên sản xuất, kinh doanh hóa chất độc. Tôi ý thức được đây là hoạt động có tính nguy hiểm cao với chính mình và người dân xung quanh. Vì vậy, tôi rất muốn tìm hiểu về các quy định pháp luật liên quan đến việc tổ chức ứng phó sự cố hóa chất độc, cũng như muốn biết về trách nhiệm của mình đối với sự cố trên. Xin quý báo cho tôi biết về những quy định trên.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Đúng như bạn đã biết, việc sản xuất và kinh doanh hóa chất độc luôn tiềm ẩn những rủi ro cho người kinh doanh và cộng đồng. Để hạn chế những sự cố này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số  26/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc.

Theo đó, cơ sở hóa chất độc để xảy ra sự cố hóa chất độc có trách nhiệm báo cáo ngay đến một trong các cơ quan sau đây: Chính quyền địa phương nơi gần nhất; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra hoặc phát hiện ra sự cố hóa chất độc trên biển có trách nhiệm báo cáo ngay cho một trong các cơ quan sau đây: Các Đài thông tin duyên hải Việt Nam; Cảng vụ hàng hải gần nhất; Trung tâm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực (trong trường hợp yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển).

Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra sự cố hóa chất độc hoặc phát hiện sự cố hóa chất độc, tổ chức, cá nhân có thể thông tin đến bất kỳ địa chỉ liên lạc nào như: Các đơn vị hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để xử lý.

Khi nhận được thông tin, báo cáo về sự cố hóa chất độc, các cơ quan tiếp nhận thông tin trên phải thông báo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Theo Điều 39, Quyết định số  26/2016/QĐ-TTg, trách nhiệm của cơ sở hóa chất độc như sau:

“1. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật hóa chất, sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố hóa chất độc theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Hàng năm phải có kế hoạch tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó. Định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần phải triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố hóa chất độc tại hiện trường.

3. Có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng, cơ sở theo quy định; tiến hành ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất độc với các cơ quan, đơn vị thích hợp để triển khai khi có tình huống.

4. Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố hóa chất độc.”

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở hóa chất độc để xảy ra sự cố phải báo ngay chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO