Cơ sở chăn nuôi phục vụ nghiên cứu Đại học Huế: Ô nhiễm “quấy rầy” khu đô thị

15/01/2015 00:00

(TN&MT) - Cơ sở hoạt động chăn nuôi phục vụ nghiên cứu với quy mô gồm 100 con lợn, 1.000 con gà và 6 con bò, nước thải khoảng 5m3/ngày đêm.

   
   
(TN&MT) - Dù đã hoạt động gần 10 năm nay, song do quá trình đô thị hóa, nhiều đơn vị, trường học, nhà dân mọc lên san sát, nên việc chăn nuôi phục vụ nghiên cứu chất lượng thịt gia súc, gia cầm của Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) xem ra không còn hợp lý bởi tình trạng phát sinh ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
   
Khuôn viên các trại nuôi gia súc, gia cầm của trung tâm
   
           
Mùi hôi và côn trùng tra tấn
   
  Do nằm giáp ranh với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ, nay là Viện Công nghệ sinh học- Đại học Huế, nên hầu như mấy năm nay, cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Duy Tân đóng tại Khu C Đô thị mới An Vân Dương (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) thường xuyên kêu ca vì phải chịu đựng mùi hôi và nhiều loài côn trùng quấy rầy xuất phát từ việc xả thải chưa qua xử lý của trại nuôi gia súc, gia cầm của Trung tâm. Về mùa hè, mùi hôi kết hợp có gió bốc lên càng nồng nặc hơn. Ruồi nhặng, kiến ba khoang cũng phát sinh vô số kể. Nhiều đợt, nhà trường phải thuê đơn vị chuyên môn tiến hành xịt thuốc tiêu độc khử trùng để đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên nhà trường. 
   
  Em Trần Thị Lệ Hải, lớp K4 Sư phạm mầm non 1- Trường Trung cấp Kinh tế- Du lịch Duy Tân than vãn: “Hầu như lớp học nào cũng phải luôn đóng kín các cửa sổ 100% để giảm mùi hôi, tiếng ồn từ cơ sở chăn nuôi ngay liền kề. Nhất là về mùa hè, đóng kín cửa thì oi bức, hầm nóng, mở cửa thì bị mùi hôi tra tấn, chúng em không thể nào chịu nỗi. Mong muốn của chúng em là làm sao có bầu không khí trong lành, không phải hằng ngày đến lớp phải ngửi mùi hôi khó chịu và nhiều ruồi, muỗi, mằng hăng bay quanh”.
   
Hồ nước thải ra từ các trại nuôi
    
   
  Ông Lê Bá Sơn- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Duy Tân bức xúc: “Dù biết các em học sinh phải chịu khó, chịu khổ khi bầu không khí học tập bị ô nhiễm và chúng tôi cũng đã phản ánh tình trạng này suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chúng tôi rất đau đầu vì mùi hôi, tiếng ồn từ trại nuôi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và hoạt động đào tạo của nhà trường. Thậm chí nhiều em học sinh thường gọi đùa đây là trường ruồi cũng không ngoa”. Cũng theo kiến nghị của ông Lê Bá Sơn, các cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết dứt điểm tình trạng này. Một là cần quyết tâm thu hồi đất; hai là phía trung tâm cần có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, tránh ảnh hưởng đến những đơn vị lân cận.
   
Trường TC Kinh tế- Du lịch Duy Tân phải thuê dịch vụ xịt thuốc ngăn chặn kiến ba khoan và một số loài côn trùng gây hại
    
   
Vị trí không còn phù hợp
   
  Trước phản ánh tình trạng gây ô nhiễm, vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát tại cơ sở. Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở hoạt động chăn nuôi phục vụ nghiên cứu với quy mô gồm 100 con lợn, 1.000 con gà và 6 con bò. Nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 5m3/ngày đêm. Nước thải được xử lý qua hệ thống biogas, sau đó đưa vào các hồ nuôi cá trong khuôn viên. Do số lượng nuôi, việc xử lý nước thải, mùi chưa đảm bảo và việc bố trí chuồng trại có khoảng cách gần các đơn vị lân cận, gây phát sinh mùi hôi, ruồi nhặng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của khu vực xung quanh.
   
  Theo quan điểm của ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thời gian trở lại đây, do mở rộng đô thị, xung quanh khu vực này đã xuất hiện nhiều nhà dân, đơn vị, trường học, trung tâm giáo dục- đào tạo như Trường Trung cấp Kinh tế- Duy tân, Trường phổ thông Huế Star, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Tài chính miền Trung, Trung tâm nghỉ dưỡng- Hội Nông dân... Nên, việc tồn tại cở sở nuôi phục vụ nghiên cứu chất lượng thịt gia súc, gia cầm hiện nay xem ra không còn hợp lý. Trước mắt, phía Viện Công nghệ sinh học cần thực hiện tốt các giải pháp khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo về lâu dài, phía Trung tâm và Đại học Huế cần có kế hoạch lộ trình di dời phù hợp.
   
   
  Qua trao đổi, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân- Phó Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) cho rằng, để hạn chế đến mức tối đa ô nhiễm, Trung tâm đã giảm số lượng và chỉ nuôi đủ phục vụ thí nghiệm. Ngoài ra, đơn vị cũng đã thực hiện các giải pháp đi kèm như đào ao để tạo khoảng cách không gian ảnh hưởng; sử dụng chế phẩm EM để xử lý mùi hôi và các hóa chất để xử lý chất thải rắn, chuồng trại. Theo PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, thực ra, muốn giải quyết triệt để ô nhiễm và tránh gây ảnh hưởng đến môi trường chung, phương án tốt nhất là di dời. Mặc dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý di dời, đi thuê nơi khác tiếp tục phục vụ nghiên cứu, với điều kiện được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.
   
                                                                     Bài & ảnh: Xuân Giang
           
   
   
   
           
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở chăn nuôi phục vụ nghiên cứu Đại học Huế: Ô nhiễm “quấy rầy” khu đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO