Có nên nhượng quyền khai thác Vịnh Hạ Long?

09/08/2014 00:00

(TN&MT) - Quan trọng đừng biến Di sản thành món hàng hóa để trao đổi, mua bán và có nhiều tiền là mua được.

   
(TN&MT) - Quan trọng đừng biến Di sản thành món hàng hóa để trao đổi, mua bán và có nhiều tiền là mua được, làm được – là tư tưởng chủ đạo của đa số lãnh đạo ngành văn hóa – du lịch và các báo đài có mặt trong buổi họp báo do tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa diễn ra cuối tuần qua.
   
Không được độc quyền di sản!
   
  Đó là ý kiến của nhiều người dân khi được hỏi, nên hay không nên nhượng quyền khai thác phí Vịnh Hạ Long (nay tỉnh Quảng Ninh thay từ nhượng quyền thu phí thành: Nâng cao hiệu quả quản lí, khai thác, dịch vụ Vịnh Hạ Long - pv). Bởi lẽ, nhiều người lại hoài nghi, một khi doanh nghiệp trúng thầu họ sẽ nghĩ ngay tới biện pháp tìm cách nào để sinh lời nhanh và nhiều, như vậy không thể có lợi ích xã hội theo đúng nghĩa của một di sản thiên nhiên thế giới.
   
Một góc Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
   
  Quảng Ninh nên tìm hiểu thêm kinh nghiệm và tách biệt hoàn toàn hai vấn đề: Quản lí nhà nước tới đâu và doanh nghiệp được quyền thu phí như thế nào. Đồng thời chỉ đồng ý cho doanh nghiệp thu phí, quản lí 10 – 20 năm, theo đúng tinh thần Nghị định 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/5/2014, quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển… không quá 30 năm, nếu làm tốt sẽ gia hạn, chứ nhất định không thể đồng ý 50 năm như đề xuất của doanh nghiệp.
   
  Song cũng có ý kiến cho rằng, nếu sử dụng biện pháp hợp tác công tư (PPP) ở một trong những hạng mục, chuỗi dịch vụ nào đó thì sao không khuyến khích doanh nghiệp?. Nhà nước không nên ôm quá nhiều việc: Quy hoạch, quản lý, giám sát đến thu phí… Như vậy vừa không hiệu quả vừa phình thêm nguồn nhân lực trong biên chế. Nên thay vào đó hãy làm tốt việc: Giám sát và kiểm tra. Tuy nhiên, đây là di sản nên Quảng Ninh cần phải khoanh vùng địa điểm cần được bảo tồn, bảo vệ thì Nhà nước vẫn quản lí, chỉ giao cho doanh nghiệp lĩnh vực liên quan tới dịch vụ, danh lam…
   
  Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc muốn “chuyển nhượng dài hạn” cho doanh nghiệp quản lý là để “thoát cảnh” hiện nay dịch vụ du lịch đơn điệu, thương hiệu  thì “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều tour du lịch chỉ đi thăm vịnh trong ngày, ngủ lại trên Vịnh rất hạn chế, có gì bán nấy, kinh doanh vậy… việc này Quảng Ninh đã biết từ lâu, nhưng lúng túng, vướng cơ chế. Giờ nhân việc này, tại sao lại không giúp doanh nghiệp Tập đoàn Tuần Châu, Bitexco… có đủ tầm, mạnh tài chính và có quy hoạch bài bản để họ giúp khách du lịch đến Quảng Ninh để hưởng thụ, để tiêu tiền. Nếu không làm, không bàn bạc mà cứ ngồi đó thì mãi mãi chúng ta chỉ cảm giác thấy lo sợ mà thôi.
   
  TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cũng thấy ở Campuchia, họ giao Angko wat cho doanh nghiệp tư nhân khai thác sau bao năm có việc gì đâu? Quan trọng nhất vẫn là việc chúng ta giao cho doanh nghiệp cái gì, đặt giới hạn cho họ làm sao và quản lý như thế nào? Chúng ta giao có chọn lọc và cần có tính cạnh tranh. Tức là không nên giao cho một doanh nghiệp mà phải nhiều doanh nghiệp. Tránh tình trạng giao cho một doanh nghiệp sẽ dễ dẫn tới độc quyền và điều này đã diễn ra ở Việt Nam.
   
Chìa khóa thành công, ở đâu?
   
  Vịnh Hạ Long lớn cả về tầm vóc lịch sử, cũng như giá trị văn hóa nên vấn đề xây dựng cơ chế riêng, đặc thù để khai thác hiệu quả cần được đặt ra. Theo ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, hiện trên thế giới có nhiều mô hình di sản được quản lý bởi các công ty, tập đoàn tư nhân. Có mô hình thành công nhưng cũng không hiếm mô hình quản lý thất bại. 
   
  Chìa khóa của sự thành công là tận tâm, thắt chặt quản lý, không thể khoán trắng và cũng không phải cái gì cũng áp công thức xã hội hóa. Đặc biệt, trong trường hợp này Vịnh Hạ Long không phải là một món hàng trao đổi, có làm bất cứ việc gì cũng phải cần đặc biệt thận trọng và cân nhắc, di sản không phải là món hàng, không phải nhiều tiền là có thể mua được, làm được. Chỉ nên thử nghiệm trong một vài khâu nào đó, từng bước thận trọng rồi đi đến bàn giao chứ không thể một bước là khoán trắng.
   
Phí dịch vụ tàu thăm quan du lịch Vịnh Hạ Long liệu có tăng cao khi tư nhân hóa?
   
  Khai thác Di sản thiên nhiên thế giới, một tầm vóc lịch sử to lớn, một công trình văn hóa hoàn toàn khác với khai thác một công trình kinh tế. Chúng ta khai thác một mỏ dầu, mỏ vàng, nhà nước và tư nhân khi tôi nhượng có thể cùng làm và chia theo tỷ lệ phần trăm, có thể khai thác cạn kiệt mỏ dầu, mỏ vàng đó và khi nào hết tài nguyên thì chấm dứt việc hợp tác. Nhưng với di sản văn hóa thì khác, khai thác không chỉ sinh lợi mà quan trọng hơn còn có trách nhiệm bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa đó tốt lên.
   
  Phải rạch ròi công – tư, bảo tồn Di sản đi đôi với khai thác, nếu có hành động hủy hoại thì phải ngừng ngay mọi hoạt động; gắn lợi ích cộng đồng với giá trị quảng bá thương hiệu quốc gia ra thế giới; công khai, minh bạch và có chế tài rõ ràng.
   
  Dư luận lo ngại một khi doanh nghiệp được phép thu phí thì mức phí thăm quan có thể tăng cao, điều này hoàn toàn có cơ sở. Trong khi, hiện tại doanh nghiệp Bitexco đưa ra cái giá rất “bèo bọt”, 3 năm đầu nộp cho nhà nước 90 tỷ, 3 năm tiếp theo 130 tỷ… trong khi, 6 tháng đầu năm 2014, BQL Vịnh Hạ Long đã thu về trên 200 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng và theo lộ trình sẽ đạt trên 6.000 tỷ đồng trong vài năm tới. Trong khi mức khung kịch trần mà Bitexco chỉ đạt trên 4.000 tỷ đồng, thấp rất nhiều so với Nhà nước trực tiếp thu phí. Do đó, việc này Quảng Ninh cũng cần xem xét lại, đã là tư nhân hóa thì phải tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và đem lợi cho quốc gia nhiều hơn, chứ đừng kiểu “phú quý giật lùi” như Bitexco đã đề xuất.
   
  Việc hợp tác với tư nhân làm lợi ích lớn nhất là có thể tận dụng được công nghệ quản lý của một đơn vị chuyên nghiệp, có quảng bá, maketting toàn cầu. Vì thế sẽ tốt hơn về mặt doanh thu và quảng bá. Tuy nhiên, nếu không minh bạch sẽ dẫn đến những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm hoặc khai thác di sản theo hướng không bền vững và biến nó thành món hàng hóa mà thôi.
   
Doãn Xuân
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên nhượng quyền khai thác Vịnh Hạ Long?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO