Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài, quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 17, Điều 1 Thông tư 19/2017/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư 36/2014/TT-NHNN), kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành cũng khẳng định chủ trương kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán. Vì lẽ này, trên thực thực tế các ngân hàng khó còn “room” để cho vay vốn BĐS và tỷ lệ tín dụng vào ngành địa ốc có khả năng giảm xuống trong năm 2019.
Song xét trên bình diện triển vọng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng cũng khá lạc quan khi các nhà phát triển BĐS có những chiến lược kết hợp để tận dụng thế mạnh của nhau. Đồng thời, đà tăng trưởng từ chính sách cũng góp phần vào sự hồi phục đáng kể của thị trường giao dịch, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt là nhóm cổ phiếu BĐS.
“Bước vào quý 4/2018 cũng như quý 1/2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền dự báo tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu, lợi nhuận của các công ty BĐS. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là việc các cổ phiếu nhóm ngành BĐS niêm yết trên thị trường dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền”, ông Sử Ngọc Khương chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), từ đầu năm đến nay có đến hơn 80% mã cổ phiếu BĐS tăng giá. Hiện có 57 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, thanh khoản thị trường hiện đạt hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Thông báo từ HOSE cho thấy, không chỉ các công ty BĐS của Việt Nam lên sàn, trong nhiều năm qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tổ chức niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là một dấu hiệu cho thấy các công ty trong lĩnh vực BĐS hoạt động ngày càng mạnh, tạo cơ hội cho nhà đầu tư không chỉ mua bán sản phẩm mà còn cả cổ phiếu.
Ông Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight nhận định, từ 2014 đến 2018, cổ phiếu 2 ngành ngân hàng và BĐS đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức 2 con số. Bước vào quý 4/2018 cũng như quý 1/2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền dự báo tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận của các công ty BĐS.