Cổ Đô là thế, lại nữa 60 năm trước Bác Hồ đến thăm cán bộ và nhân dân Cổ Đô, nơi có truyền thống đấu tranh Cách mạng, nơi được Bác Tôn Đức Thắng về ở chỉ đạo phong trào Cách mạng và thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì - TP. Hà Nội), cũng là nơi cộng đồng dân cư cùng với chính quyền Việt Minh non trẻ kéo về cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn mười lần về thăm nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì, duy nhất Cổ Đô, năm 2010, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, bằng tấm lòng thành kính và biết ơn đến công lao trời biển của Người với đất nước và nhân dân, người dân đã tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng và dành hàng ngàn m2 đất xây dựng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại nơi chính Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân. Năm 2018, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác về thăm Cổ Đô (8/7/1958 - 8/7/2018) UBND TP. Hà Nội đã công nhận và gắn biển Di tích Cách mạng kháng chiến. Hơn 20 năm qua, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi tâm linh, là địa chỉ đỏ giáo dục cộng đồng dân cư “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Năm 2018, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê hương, làng quê mở hội, truyền thống Anh hùng trong đấu tranh Cách mạng, truyền thống hiếu học và văn hóa (Năm 2003, Cổ Đô được thành phố công nhận là Làng văn hóa) được nhân rộng, các giá trị di tích lịch sử và văn hóa đã được Nhà nước và thành phố công nhận ngày càng được phát huy như: Nhà thờ danh nhân Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Lục bộ Thượng thư Tiến sỹ Nguyễn Bá Lân, Di tích Cách mạng kháng chiến Đình Cổ Đô, Di tích Văn hóa nghệ thuật Đền Cẩm Sơn. Đền thờ Công chúa Thiếu Hoa (Thành hoàng Làng Cổ Đô) được xã hội hóa xây dựng xong trong năm 2018, nhân dân đã hiến hàng trăm m2 đất mở rộng, đổ bê tông hóa 2 tuyến đường lớn vào làng từ 9 - 12m…
Những người con ưu tú của Cổ Đô có may mắn được gặp Bác Hồ 60 năm trước, nghe theo lời dạy của Người đã không ngừng phấn đấu và đa số đã trở thành Đảng viên cộng sản như: Ông Phan Văn Đà (Nguyên Bí thư Huyện Ba Vì), Nguyễn Vũ Bão (Nguyên Bí thư Đảng bộ xã Cổ Đô), Trần Thị Ngưu (Nguyên Chủ tịch Phụ nữ Xã), Thầy giáo Phan Anh Thược… rồi rất nhiều rất nhiều cán bộ trưởng thành từ những năm tháng được gặp Người. Đa số họ đã được vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, gặp nhau mái đầu ai cũng điểm bạc nhưng vần còn nguyên kỷ niệm với Bác năm nào. Câu nói vui với nhân dân “Bác hỏi các cô chú và nhân dân thằng Tây nó to hay con sâu nó to”… Chuyện là năm ấy, sâu bệnh nhiều vô kể, cắn phá và có nguy cơ cả cánh đồng không còn mạ để cấy vụ mùa, Bác sắn quần nâu lội ruộng xem từng cây mạ, bắt thử con sâu… rồi mời nhân dân cùng đến quanh gò đất cao nói chuyện... nhân dân đồng thanh “Thưa Bác con sâu nhỏ hơn thằng Tây ạ”, Bác cười vui “Thế đấy thằng Tây nó to mà ta còn đánh thắng, chả nhẽ chúng ta chịu thua con sâu…” Bác căn dặn nhân dân đoàn kết, xây dựng hạnh phúc từng gia đình, xây dựng hợp tác xã tiến lên, xây dựng quê hương giầu đẹp. Bác đi thăm kè chống lụt trên đoạn đê Sông Hồng xung yếu nhất vùng Sơn Tây, căn dặn dân làng chớ chủ quan coi thường lũ lụt… Nghe lời Bác dậy, năm ấy vụ mùa đại thắng lợi, đoạn đê xung yếu được kè vững chắc cho đến ngày nay.
Giờ đây, có dịp đến Cổ Đô, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ phong quang, phong trào trồng hoa cây xanh đã và đang lan tỏa. Làng xóm ra nghị quyết đưa công tác vệ sinh môi trường làm mục tiêu hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển, quanh nhà văn hóa, ven các đường làng và nội đồng đã và đang được trồng nhiều hoa, cây rau màu ngắn ngày thay cho cỏ rác, chất thải.
Cũng hiếm nơi nào như Cổ Đô, làng trên ngàn hộ dân lại có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật… được nhà nước và thành phố xếp hạng. Làng có từ thuở Hùng Vương dựng nước, nhân dân luôn tự hào nơi đây là vùng đất văn hiến, địa linh sản sinh ra nhiều ông Nghè, ông Cống, nhiều chí sỹ văn thơ nhạc, họa. Nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã biết đến Cổ Đô, sau khi biết TP. Hà Nội đã và đang đầu tư để trở thành điểm du lịch cộng đồng mang tên Làng Họa sỹ Cổ Đô. Bởi Cổ Đô là miền quê duy nhất trong cả nước có đến hai Bảo tàng Mỹ thuật là Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô và Bảo tàng Sĩ Tốt. Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô có trên 40 hội viên, trong số đó, có gần 20 hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội. Từ năm 1994 đến nay, tại Nhà triển lãm của Hội MTVN -16 Ngô Quyền Hà Nội và triển lãm hàng năm của Hội Mỹ thuật Hà Nội nhân Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Mỹ thuật Cổ Đô đã nhiều lần giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của lớp lớp họa sỹ Làng.
Chúng tôi đến Cổ Đô, trong không khí của những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thấy hiển hiện Cổng Làng cao gần 10m, được nhân dân đóng góp tự nguyện, đã và đang được hoàn thiện như một sự khẳng định chủ quyền ước lệ, góp phần bảo tồn truyền thống, làm đẹp thêm cho quê hương cổ kính giàu bản sắc văn hóa và tâm linh, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau. Từ đó, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mang tính giáo dục cao, làm nền tảng cho phát triển quê hương Cổ Đô ngày càng lớn mạnh. Khu vực trung tâm tâm linh Đình Làng, các hạng mục công trình tiếp tục được đầu tư xây dựng, hồ lớn trước Đình Làng, trước khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật đang được lát, bó vỉa hè trồng hoa và cây xanh… đường lớn vào Làng rộng mở, đường ra cánh đồng lúa đang vào mùa nặng hạt, nhất là vùng chuyên canh lúa giống CNN-11, vùng chuyên canh cà tím năng suất cao đang ra hoa kết quả… báo hiệu một vụ mùa bội thu ở một làng quê bình yên và dần ổn định để phát triển.