Cơ chế đặc thù sẽ phát huy thế mạnh, tạo sự chủ động cho Thủ đô

Tuyết Chinh – Khương Trung| 09/06/2020 14:25

(TN&MT) - Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đối với Thủ đô Hà Nội trên cơ sở vừa khai thác, phát huy được thế mạnh cho từng địa bàn, vừa tạo chủ động cho địa phương.

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay (9/6), các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Đa số các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách, từ đó thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu.

Quốc hội thảo luận tổ tại phiên làm việc sáng nay (9/6). Ảnh: Khương Trung

Chính phủ sẽ phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương

Đồng tình với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá những cơ chế, chính sách mà Chính phủ đề xuất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt nguồn lực cũng như cơ chế để tạo điều kiện phát triển thành phố. Trên cơ sở đó, nghiên cứu về mặt chính sách để tiếp tục điều chỉnh ngân sách cho phù hợp, vừa khai thác, phát huy được thế mạnh cho từng địa bàn, vừa tạo chủ động cho địa phương.

“Khi mà cơ chế cho Hà Nội thực sự phát huy hiệu quả thì sửa Luật Ngân sách sắp tới của chúng ta sẽ đón nhận được cách tiếp cận mới”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khương Trung

Với đề xuất của Chính phủ về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, cho phép thí điểm giao cho HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này, thực chất là để phân cấp cho HĐND Thành phố Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện Luật Phí và lệ phí.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Vì vậy, cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình, tuy nhiên đối với lệ phí, án phí của Tòa án thì không nên giao cho HĐND Thành phố tự điều chỉnh.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, TP Hà Nội có những yêu cầu, điều kiện tăng phí lên để sử dụng phí đó phục vụ cho các cơ sở thiết yếu, xã hội và phát triển chung như vệ sinh công cộng, môi trường…

Hà Nôi được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất?

Đối với đề xuất của Chính phủ về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thì số còn lại (khoảng 30%) là nguồn thu của ngân sách trung ương, nhưng Chính phủ xin cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu này (tương ứng khoảng 15% số thu tiền sử dụng đất và bán tài sản công còn lại), để hỗ trợ cho Thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Đại biểu Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận tại phiên làm việc. Ảnh: Khương Trung

Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ và quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đây là một nguồn thu lớn, cần hạch toán rõ ràng và xem xét một cách đầy đủ để đầu tư thực sự nâng tầm thủ đô.

Cần có kế hoạch thu – chi rõ ràng, giám sát chặt chẽ

Về đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh, Thành phố là đại diện chủ sở hữu để sửa đổi cho thống nhất với Luật NSNN. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị các khoản thu này theo quy định của Luật NSNN là 100% của thu NSĐP đã được quy định tại Điều 37 của Luật NSNN, do đó, có thể không quy định lại trong Nghị quyết này.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Hồng Hà góp ý, chúng ta phải hoàn thiện hơn các bài toán về hạch toán thu chi, tính toán có cơ sở chứ không nên tuỳ hứng. Nên có cơ sở để đưa ra kế hoạch thu, chi rõ ràng và có kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần tính toán xem kế hoạch đặt ra, cam kết mục tiêu có đúng không.

“Giao cho thành phố tự phân bổ, điều tiết nhưng phải đảm bảo những chỉ tiêu về giáo dục, y tế, môi trường…”, đại biểu Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế đặc thù sẽ phát huy thế mạnh, tạo sự chủ động cho Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO