Cơ bản hoàn thành cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2025

Lưu Nguyên Sơn| 17/03/2021 10:26

(TN&MT) - Phấn đấu đến năm 2025, nước ta cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty về dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và đang trong quá trình tổng hợp, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2021.

Kết quả tích cực

Theo đánh giá của dự thảo Đề án, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Trong giai đoạn 2016  - 2020, đã CPH được 180 doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Các cơ quan, đơn vị liên quan đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công để triển khai rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành lộ trình CPH, thoái vốn theo đúng nhiệm vụ đề ra. Danh sách các doanh nghiệp CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ công bố là một bước tiến lớn để công khai, minh bạch trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, đồng thời, làm căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai đề án cơ cấu lại DNNN.

Dự thảo Đề án cho biết, đối với việc triển khai thực hiện CPH, giai đoạn 2016  - 2020, đã CPH được 180 doanh nghiệp, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc kế hoạch CPH theo kế hoạch, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác CPH. Về giá trị bán được, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng là 104.726 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy vậy, tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác CPH là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

Đối với công tác thoái vốn, về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng, đạt 11% tổng giá trị phải thoái. Về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn Nhà nước quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn Nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng, gấp gần 30 lần giá trị sổ sách.  

Về công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, dự thảo Đề án đánh giá, về cơ bản, các DNNN đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện theo phương án cơ cấu lại được nâng cao, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao, xây dựng được thương hiệu có uy tín, ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, các DNNN trong nhiều lĩnh vực trọng yếu đã có những đóng góp lớn trong việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu

Theo dự thảo đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN đã có nhiều cố gắng triển khai các giải pháp theo các nhiệm vụ đề ra và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả đạt được còn hạn chế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN.

Dự thảo Đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tiếp theo. Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 như: hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả; xây dựng danh mục tiêu chí DNNN thực hiện CPH, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng  xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý. Nhà nước sử dụng nguồn lực để thực hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà nước.

Triển khai củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu khác.

Người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, theo đó, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp phát sinh trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ bản hoàn thành cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO