Chuyện về người thầy giáo dân tộc Mông trên hành trình "gieo chữ"

17/04/2015 00:00

(TN&MT) - Sau bao lần lỡ hẹn, trong chuyến ngược ngàn vừa rồi chúng tôi mới có cơ hội gặp gỡ người thầy đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, nhiệt huyết tuổi trẻ để đem con chữ đến nơi đại ngàn núi cao. Thầy là Ly Ly Pó, người dân tộc Mông.

Có đi, tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy hết được những khó khăn vất vả trong hành trình đem con chữ đến với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong sự gian nan ấy, vẫn có những tấm gương bình dị giữa đời thường, vẫn lặng lẽ hi sinh và cống hiến.

Thầy  Ly Ly Pó trong một giờ lên lớp.
Thầy Ly Ly Pó trong một giờ lên lớp.

Theo lời giới thiệu của thầy Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Lý -  Đoàn Văn Sơn, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng thầy giáo Ly Ly Pó – giáo viên Tiếng anh và cũng là thầy giáo người Mông duy nhất của trường. Thầy giáo Ly Ly Pó sinh năm 1985 là người dân tộc Mông bản Hua Pù, xã Pù Nhi. Thầy Pó cho biết: “Bản Hua Pù là một trong những bản khó khăn nhất của xã Pù Nhi bởi đường xá xa xôi, con đường vào với bản chỉ toàn dốc cao dựng đứng với một bên và vách núi một bên là vực thẳm; cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông bản Hua Pù luôn luẩn quẩn trong cái nghèo. Những năm trước, trẻ em chẳng biết đến con chữ mà chỉ biết theo cha mẹ đi qua những mùa rẫy rồi đã vội lấy chồng, lấy vợ và sinh nhiều con lắm”.

Thầy Ly Ly Pó may mắn được đến trường học con chữ nên Pó biết lấy chồng, lấy vợ sớm là không tốt, đông con thì đói nghèo sẽ còn đeo bám mãi. Pó quyết tâm học tập và cũng động viên các em của mình học giỏi để vào đại học. Năm 2001, Pó được xuống trường Dân tộc nội trú tỉnh học, trong khoảng thời gian này, nhờ học giỏi, năng nổ trong hoạt động của trường, lớp Pó được Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa mời làm cộng tác viên phát thanh tiếng Mông trong bản tin tiếng Mông, tiếng Thái của Đài. Năm 2004, Pó thi đỗ vào lớp Tiếng Anh - khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức. Vậy là ước mơ vào Đại học của Pó đã thành hiện thực. Với niềm say mê ngoại ngữ, Pó đã tốt nghiệp đại học.

Với chừng ấy kinh nghiệm làm cộng tác với đài truyền hình, cộng với vốn ngoại ngữ học được tại ghế nhà trường, thầy Ly Ly Pó hoàn toàn có thể tìm kiếm một công việc có mức thu nhập ổn định tại thành phố. Thế nhưng vì tình yêu quê hương cũng như khát vọng đem con chữ về với bản làng, với những đứa trẻ vùng cao còn đang khát chữ thầy đã trở về bắt đầu hành trình “gieo chữ” tại trường THCS Trung Lý, nay là trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý.

Với đặc thù hầu hết các em là người dân tộc, tâm lý học sinh ham học nhưng chưa thạo tiếng phổ thông, hay rụt rè, ít tiếp xúc với người lạ, bởi vậy dạy ngoại ngữ cho các em là điều khó so với môn học khác. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, yêu học sinh vùng cao, thầy Pó luôn tìm cách giảng dạy đơn giản, dễ hiểu nhất cho các em. Từ đó, thầy Pó được các em học sinh yêu mến, đồng nghiệp nể phục.

Nhiều em học sinh đã bỏ học giữa chừng, Pó lại cùng các thầy cô giáo trong trường xắn quần, lội suối, vượt đèo vào các bản xa xôi như Tà Cóm, Cò Cài, Cánh Cộng… để vận động bà con cho học sinh đến trường. Cùng là người Mông và cũng chính là tấm gương sáng nên bà con nghe thầy Pó lắm.

Chia tay trong buổi chiều muộn, trong cái siết tay thật chặt chúng tôi vẫn luôn tin tưởng mãnh liệt rằng bản làng người Mông sẽ đổi thay khởi sắc từng ngày khi có những người thầy như Ly Ly Pó. Trẻ em sẽ được đến trường không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nữa.

                                                                                                                             Bài và ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người thầy giáo dân tộc Mông trên hành trình "gieo chữ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO