Chuyện những "cổ thụ" giữ rừng

22/09/2017 00:00

(TN&MT) – Trong số hơn 60 hội viên Chi hội Người cao tuổi (NCT) khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, có đến hơn một nửa hội viên đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”. Mặc dù vậy, tất cả các hội viên đều tham gia rất nhiệt tình, đầy trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, với mục đích tạo niềm vui tuổi già và gìn giữ “món quà xanh” cho thế hệ sau.

Một buổi tuần tra bảo vệ rừng của Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên
Một buổi tuần tra bảo vệ rừng của Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên

“Buồn quá, không có gì làm, chúng tôi rủ nhau đi trồng rừng...” Đó là câu nói của ông Lò Văn Cu, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Nhưng tôi hiểu đằng sau câu nói đó là tình yêu đất, yêu rừng của các cây “cổ thụ” với mong muốn giữ rừng thêm xanh.

Năm 1994, sau khi nhà nước cho nghỉ chế độ, 12 thành viên của tổ hưu trí liên bản (8 bản) khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, đã khoanh nuôi hơn 7ha đất để trồng rừng. Khi ấy, những quả đồi là nương cũ của người dân, chỉ có cây dại phát triển. Các thành viên miệt mài trong nhiều tháng liền để cuốc hố trồng cây, giao cho mỗi người 5kg hạt xoan để trồng. Nhưng sau 6 tháng, hạt mọc không đều, tỷ lệ mọc rất ít. Đang loay hoay tìm cây giống mới thì Nhà nước có Chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc, Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh đã làm đơn xin hợp đồng trồng rừng và được chấp nhận cho 12,7ha.

Sau đó, Chi hội tiếp tục nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ 30ha rừng, nâng tổng diện tích bảo vệ rừng lên 42,7ha. Diện tích lớn, lại là những người đã có tuổi, nên các thành viên Chi hội đã vận động người thân trong gia đình, hàng xóm cùng tham gia trồng và bảo vệ rừng nâng tổng số thành viên lên 42 người  vào năm 1995. Việc phân công chăm sóc được chia thành 3 tổ thay phiên nhau, nếu xảy ra mất mát thì từng tổ phải chịu trách nhiệm. Cứ thế, giữ rừng đã thành thói quen. Sau 23 năm, nơi đây đã thành rừng cây cao lớn, bạt ngàn, đem lại không gian sống trong lành, mát mẻ cho người dân trong khu vực. Thành quả của những ngày nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng.

Ông Lò Văn Cu, cho biết: “ Để có được cánh rừng xanh như ngày hôm nay, mỗi ngày, Chi hội phân công 2 thành viên có trách nhiệm tuần tra, bảo vệ rừng. Cùng với đó, Chi hội tổ chức đi kiểm tra rừng hàng tuần. Vào mùa trồng rừng, khi phát dọn cây cỏ hoặc mùa khô cần làm đường băng cản lửa thì huy động tất cả thành viên tham gia. Lứa tuổi trung bình của CLB là từ 60 - 70 tuổi, nhưng cũng còn nhiều hội viên đã 80 - 90 tuổi. Đối với các cụ cao tuổi không đủ sức khỏe lao động thì tham gia bằng hình thức hỗ trợ thêm kinh phí cho CLB”.

Hình dung đến việc tuần tra hơn 42ha rừng, nhiều người trẻ tuổi không khỏi nản chí nhưng đối với các thành viên Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh lại như một cuộc dạo bộ rèn luyện sức khỏe. Đó không chỉ bởi họ đã quen thuộc với công việc này mà còn vì tình yêu với rừng cây đã và đang bảo vệ, chở che bản làng; cùng ước nguyện gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho con cháu.

Ông Lò Văn Bình, bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, đã 67 tuổi nhưng nhìn dáng vẻ vượt rừng của ông, chúng tôi nghĩ ông trẻ hơn rất nhiều. Ông Bình đã tham gia Chi hội được 10 năm, những chuyến đi rừng vì thế cũng trở thành chuyện thường kỳ, từng lối đi, từng phân khu đều quen thuộc “như nằm lòng bàn tay”.

Ông Bình chia sẻ: “Đến phiên tuần tra rừng của mình, tôi thường dậy từ sớm, mang theo nước uống và con dao phát lên đường. Hai người được phân công cùng ngày sẽ tự chia đi 2 hướng khác nhau. Chúng tôi có trách nhiệm vừa ngăn chặn phá rừng, vừa phòng, chống nguy cơ cháy rừng và quan sát, kiểm tra sự phát triển của các cây mới trồng. Mỗi chuyến đi như thế thường mất một buổi. Tôi đi rừng không mệt mà thấy như khỏe ra vì vui khi nhìn những cây do chính tay mình trồng cao lớn từng ngày, không khí trong rừng thì mát mẻ nên lâu không đi rừng lại thấy nhớ”.

Đối với các thành viên trong Chi hội, giữ rừng đã thành thói quen.
Đối với các thành viên trong Chi hội, giữ rừng đã thành thói quen.

Cũng vì diện tích quản lý lớn, nên một vài năm trước, những việc ngoài mong muốn như bị chặt trộm, phá hoại cây con hay cháy rừng vẫn xảy ra nhưng ở quy mô nhỏ, không nhiều và thường được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Hơn nữa nhờ uy tín, tiếng nói của những người cao tuổi tại địa bàn dân cư, đến nay việc xâm phạm rừng không còn xảy ra, người dân trong khu vực đã có ý thức chung tay bảo vệ rừng.

Không chỉ cho màu xanh, bóng mát, rừng cây còn mang nguồn thu cho các thành viên Chi hội. Khi bắt tay vào phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng nhiều loại cây lâu năm khác nhau, như: keo, sưa, lát, dổi, trám... Hưởng lợi từ rừng, nhiều thành viên có hoàn cảnh khó khăn được lấy gỗ dựng nhà, ổn định cuộc sống. Chi hội cũng đã 2 lần khai thác, xuất bán gỗ để lấy tiền gây quỹ. Đến nay số tiền lũy kế cho các hội viên vay phát triển kinh tế lên đến hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ có điều kiện vươn lên, xây dựng cuộc sống đủ đầy.

Ngoài sử dụng quỹ tạo nguồn vốn vay, Chi hội còn thường xuyên thăm hỏi, động viên các thành viên lúc ốm đau, bệnh tật, gặp biến cố trong cuộc sống; hàng năm tổ chức gặp mặt, liên hoan, đặc biệt là đi tham quan một số điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho tuổi già.

Sau 23 năm góp sức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cây, quả đồi trơ trọi bỏ hoang xưa kia đã không còn, thay vào đó là những thân cây vươn cao, chắc khỏe, rì rào gió mát. Đây đúng là một “món quà mãi xanh” của những bậc cao niên dày công gìn giữ để lại cho con cháu.

Hoàng Châu – Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những "cổ thụ" giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO