Chuyện làng bè cuối dòng Mê Công làm du lịch

08/06/2017 00:00

(TN&MT)- Ở miền Tây có rất nhiều làng bè nuôi thủy sản trong hệ thống hai chỉ lưu cuối dòng Mê Công, nhưng hiếm có làng bè nào có người tạo lập được quy trình khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi và chế biến thành sản phẩm đưa ra thị trường như ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) ở làng bè Cồn Sơn (TP.Cần Thơ)...

Ông Bảy Bon cho cá ăn.
Ông Bảy Bon cho cá ăn

Theo bà Lê Thị Bé Bảy, Phó phòng Văn hóa - Thông tin Quận Bình Thủy, “Điểm tham quan du lịch cá lồng bè đã tạo nên điểm khác biệt của Cồn và ĐBSCL”. Bao đò ngang ra giữa dòng sông Hậu, trước khi lên Cồn Sơn tham quan một cù lao giới nghiên cứu mệnh danh là “Hà Lan 2” (vì những mùa lũ lớn mực nước sông cao hơn mặt đất trên cồn, bà con cứ phải quay cuồng đắp đê chống ngập, chống sạt lở), du khách thường ghé lại làng nổi gồm 52 nhà bè quần tụ trên sông. Trong đó, có một mảng kết liền nhau bởi khoảng 30 bè, vèo, có gắn bảng hiệu “Bảy Bon” nổi bật.

Bảy Bon bồng bềnh trên cái làng bè này đã hơn 15 năm qua, vẫn mang nặng một ân tình sâu sắc là lời khuyên của Tiến sỹ Philippe Serene (Tổng Giám đốc Công ty PROCOCO) - một chuyên gia thủy sản sinh thái người Pháp, có quá trình nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là thủy sản sông Mê Công. “Philippe Serene khuyên tôi rằng hãy nuôi cá trên sông Mê Công mà sống và sẽ phát triển tốt vì môi trường nguồn nước thuận lợi và cả thế giới đều thích ăn cá sông Mê Công” – Bảy Bon nói. Chính lời khuyến ấy đã khiến Bảy Bon quyết định từ bỏ sự nghiệp của một cán bộ trong ngành hải quan, bồng chống vợ con từ miệt U Minh (tỉnh Cà Mau) lên Cần Thơ, gom vốn liếng đóng một chiếc bè tre, thả xuống sông Hậu, sống đời lặn hụp cùng sóng nước với nghề nuôi thủy sản, phát huy sở trường kỹ sư thủy sản.

Chiếc bè tre ấy Bảy Bon thả nuôi 10.000 con giống cá điêu hồng. Nhờ Philippe Serene hỗ trợ nguồn thức ăn công nghiệp và kỹ thuật. Cá tăng trưởng tốt, tới kỳ thu hoạch, bán được giá từ 30.000 – 40.000đ/1kg, tính ra trúng lớn. Có vốn, Bảy Bon tiếp tục đóng thêm 2 bè gỗ (từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/bè) trên làm nhà ở, dưới nuôi cá điêu hồng, nước lên bè lên, nước xuống bè xuống, chẳng ngại nắng hạn, mưa lũ. Chỉ 6 năm sau, Bảy Bon liên tiếp đầu tư tăng số bè, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, chuyển nhượng cho một số người làm công nhân ra riêng lập nên làng bè nuôi cá điêu hồng với sản lượng mỗi năm lên tới cả ngàn tấn.

Vào thời điểm đó, phong trào nuôi cá điêu hồng dưới bè, trên ao, mương cũng đã lan rộng khắp miền Tây, bỗng nhiên có tin đồn rằng “cá điêu hồng (ở tỉnh Đồng Tháp) bị nhiễm chất cấm trifluralin - một loại kháng sinh diệt ký sinh trùng”, khiến hàng chục ngàn hộ nuôi cá điêu hồng điêu đứng. Chung hoàn cảnh với các làng bè từ Châu Đốc, Long Xuyên (tỉnh An Giang) đến Đồng Tháp, Vĩnh Long… làng bè Cồn Sơn (Cần Thơ) người thì bán bè xẻ gỗ, kẻ bị phát mãi tài sản, bỏ nghề, lên bờ, xa xứ tha phương. Vợ chồng Bảy Bon khốn đốn vẫn quyết bám bè, hàng ngày tần tảo đem từng con cá ra chợ bán lẻ lấy tiền mua thức ăn nuôi cá trong bè chờ đến ngày cơ quan chức năng vào cuộc minh oan cho cá điêu hồng.

Ông Bảy Bon tiếp du khách đến tham quan làng bè.
Hàng ngày có rất đông du khách đến tham quan làng bè. Ông Bảy Bon đón tiếp thân mật khách tham quan làng bè.

“Thông tin thất thiệt hậu quả lớn nhưng đính chính chỉ có mấy dòng” – Bảy Bon trách cứ nhưng vẫn phải ra sức photo từng trang báo có thông tin đính chính, chuyển đến từng tay bạn hàng rồi cũng bất lực vì không xóa được nỗi ám ảnh trong ý thức người tiêu dùng và cả chính bản thân mình. “Trong hoàn cảnh đó, anh ấy đi nhiều nơi và đến tỉnh Hậu Giang tìm được con cá thác lác cườm (lúc ấy cá thác lác Hậu Giang đã được tỉnh Hậu Giang đăng ký thương hiệu – PV). Sau khi suy tính kỹ, quyết định mua 10 ngàn con giống về thả xuống bè nuôi thử bằng cá biển trộn chung thức ăn công nghiệp thì thấy nó phát triển tốt. Lứa đầu tiên thu hoạch được 70 tấn, giá bán được hơn 60.000đ/1kg, những lứa sau đó giá cá thác lác thương phẩm nhích dần lên có vụ bán được giá trên 80.000đ/1kg… Từ đó vợ chồng tôi theo nuôi con cá này” - Bà Trần Khánh Phượng (vợ ông Bảy Bon) kể.

Hơn 5 năm qua đầu tư nuôi cá thác lác, vợ chồng Bảy Bon đã gây dựng lại được cơ ngơi gần như lụn bại vì cú sốc tin đồn cá điêu hồng. Song sự nhạy cảm của thị trường khiến Bảy Bon cũng như người làm ruộng, làm vườn ở miền Tây cứ phập phồng thủ đường ứng phó bằng cách đa dạng hóa chủng loại, nghe các chuyên gia khuyến cáo chuyên canh, chuyên nuôi để phát triển sản xuất hàng hóa lớn thì ham nhưng chưa dám làm. Trong 30 bè, vèo hiện nay con cá thác lác vẫn là chủ lực nhưng Bảy Bon còn chọn nuôi tới 15 chủng loại khác có giá trị kinh tế cao, như chép Nhật, lươn, trạch lấu, trạch lửa và cả cá sóc sọc – một loài đang có nguy cơ tiệt chủng. Bảy Bon chia sẻ: “Vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng tại TP.Cần Thơ, các tỉnh lân cận vùng ĐBSCL, chuyển đi TP.HCM; đồng thời có thể đưa vào chế biến để tiêu thụ trên diện rộng. Nếu lỡ thất con này còn có thể bù vô bằng con khác”.

 Một góc mảng bè của ông Bảy Bon - địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn ở vùng sông nước.
Một góc mảng bè của ông Bảy Bon - địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn ở vùng sông nước.

Để chủ động, giảm rủi ro, phát triển ổn định, lâu dài, Bảy Bon đã đầu tư cả chục tỉ đồng xây dựng trại sản xuất giống (Trại giống thủy sản Quốc Nhã) để nghiên cứu, thực nghiệm, nhân giống các loại thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, phục vụ việc nuôi tại làng bè cồn Sơn và cung cho người nuôi cá bè trong vùng. Mặt khác, Bảy Bon còn đầu tư bạc tỉ xây dựng cơ sở sản xuất chế biến đưa cá nuôi từ làng bè cồn Sơn vào chế biến thành các loại sản phẩm đặc sản như chả cá thác lác, cá thác lác nguyên con rút xương, với nhãn hiệu Lý Vân, được nhiều người tiêu dùng địa phương và du khách gần xa biết đến.

“Tôi thấy việc nuôi cá bè ở đây rất sạch nên thường mua về ăn và tôi cũng từng làm đại lý bán ở các vùng xa thấy khách hàng họ khen cá ở đây rất là ngon và đạt tiêu chuẩn. Tôi nghĩ, Cần Thơ nên tạo một tuyến du lịch giống như Thái Lan. Đưa du khách tới đây cho họ ăn thử cá, xem quá trình nuôi… thì họ sẽ yên tâm hơn để có thể từ đó mở rộng thị trường” - Ông Phạm Dũng, du khách đến từ Đà Nẵng cho biết.

Chỉ nguồn thu phí từ hàng trăm lượt du khách ghé bè tham quan, câu cá, chiêm ngưỡng những đàn cá lao xao, vọt trên mặt nước và bồng bềnh hứng gió giữa dòng sông Hậu mênh mông, mỗi ngày Bảy Bon cũng có bạc triệu. Nhưng ông chủ mảng bè với khối tài sản trị giá cả trăm tỉ đồng có cả chục nhân công phụ việc này hàng tuần vẫn trực tiếp ngậm ống hơi lặn xuống đáy sông ở độ sâu 20m để kiểm tra, vệ sinh bè, vèo, chống thất thoát, ô nhiễm…Vợ Bảy Bon, lo lắng: “Sống dưới nước quen rồi. Nếu không kiểm tra, sơ suất là tiêu tan hết. Sợ nhất là cá chim trắng mấy năm nay xuất hiện dưới sông Hậu rất nhiều, loài này tạp ăn, cắn phá rất dữ. Vậy mà cứ rằm tháng giêng người ta lại mua rất nhiều cá chim trắng để phóng sinh mà không thấy cơ quan nào giám sát, xử lý!”.

Không chỉ lo vấn nạn các loài động vật ngoại lai xâm hại dưới sông phá hoại, từ mùa khô năm trước - lần đầu tiên trong lịch sử nước mặn xâm nhập gần tới bến Ninh Kiều, Bảy Bon đã phải sắm thiết bị đo nồng độ mặn, phải thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến tình hình thủy văn, môi trường do dòng chính sông Mê Công đã và đang bị xây đập ngày càng nhiều và cả các trọng điểm sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Cửu Long… “Cũng như các làng bè khác, tôi và bà con làng bè Cồn Sơn luôn cầu mong môi trường được bảo vệ bền vững để sống với nghề nuôi thủy sản trên sông ổn định lâu dài và rất cần chính sách xuất nhập khẩu tạo thị trường ổn định. Hiện nay đang lo thị trường không ổn định và nếu môi trường nguồn nước mà có vấn đề gì đó thì chúng tôi không biết phải làm sao!?” – Bảy Bon nói.

Hùng Long

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện làng bè cuối dòng Mê Công làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO