Chuyện làm báo của một phóng viên chiến trường

19/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ông Nay Nô - một cựu phóng viên người dân tộc Ja Rai sinh ra ở mảnh đất Gia Lai vào năm 1948. Đến năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc và học tập sinh sống luôn ngoài ấy. Ông tốt nghiệp khoa Văn – Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1970. Thời điểm này, chính phủ cách mạng yêu cầu bổ sung cán bộ để vào chiến trường chiến đấu và ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc trong chiến tranh. Ông Nay Nô đã tình nguyện viết đơn xin được tham gia trong đội quân ấy.

Tháng 3/1971, ông cùng với 70 bạn bè cùng khóa học được phân chia ra các chiến trường, người đi khu D (chiến trường miền Nam – PV), người về khu 5 (Quảng Nam), số khác được phân về chiến trường Bình - Trị - Thiên. “Từ lúc chúng tôi được huấn luyện cho đến khi lên đường đều được tổ chức rất bí mật. Khi tôi lên đường cũng chỉ có mình ba biết, ngay cả mẹ và các anh chị em chẳng ai biết tôi đi đâu. Bước lên khoang tàu phủ kín bạt, chúng tôi ai nấy đều hừng hực khí thế, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp sức mình cho Tổ quốc”, ông Nay Nô nói.

Khi ấy, ông được phân công đi chiến trường khu 5. Xuất phát từ Quảng Bình, đội của ông bắt đầu hành quân ròng rã, lội suối, vượt đèo, qua 4 cao nguyên của Lào, rồi đến Campuchia. Hành trang mang trên lưng là gạo, mắm, muối. Với niềm tin, hi vọng về tương lai hòa bình của đất nước, dù gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm rình rập khi hành quân trong rừng, cả đoàn đều không bị lung lay ý chí. Khi bệnh sốt rét bắt đầu tấn công, ông cũng nằm liệt giường cả tháng trời.

Năm 1972, ông lại tiếp tục được phân đi tác nghiệp tại mặt trận Bắc Tây Nguyên trong trận đánh xuân – hè 4/1972 ở Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, Kon Tum). Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân lên chiến trường, ông được trực tiếp tác nghiệp nơi trận mạc máu lửa. Đội tác nghiệp khi ấy còn có 5 người khác: 2 người của Thông tấn xã Việt Nam, 1 người nhiếp ảnh, 1 quay phim, 1 họa sĩ, ông là phóng viên viết báo duy nhất. Trận đánh được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dự tính sẽ kéo dài trong hai ngày. Nhưng trận đánh bất ngờ kết thúc chỉ trong 6 tiếng đồng hồ. “Sau trận đánh đó, tôi cho ra đời phóng sự “Dưới chân núi Ngọk Tụ”. Tác phẩm ấy sau này đã đoạt giải ba của Báo Văn nghệ Giải phóng miền Trung - Trung bộ”, ông Nay Nô nói.

Giữa mịt mù khói lửa, phóng viên chiến trường không chỉ nhanh nhạy, quan sát để ghi lại tình hình chiến sự lúc đó mà còn phải làm thêm nhiệm vụ dân vận, binh vận. Tuyên truyền, vận động nhân dân theo đường lối chính sách mới, di dời sơ tán ra nơi khác để tránh khỏi trận ném bom tàn phá của Mỹ ngay sau đó.

Những năm tháng tiếp theo, ông tiếp tục đặt chân đến khắp các chiến trường khu 5 như Mang Yang (Gia Lai), Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), rồi đến Quảng Nam, Quảng Ngãi… Không thể nhớ hết đã có bao nhiêu tin, bài được ông cho ra đời sau mỗi thời khắc lịch sử của chiến tranh nhưng có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu, để đời đối với ông như phóng sự “Dưới chân dốc bình minh”, “Vượt đèo Mang Yang”, bút kí “Ở Ta Ma Roh” hay ghi chép “Mùa xuân sôi động” viết vào thời khắc trước mùa xuân năm 1975 lịch sử. Ông đã vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.

Chiến tranh đã qua, dù hiện tại ông không còn tiếp tục sự nghiệp viết báo nhưng những kí ức về một thời tác nghiệp trong lửa đạn vẫn in sâu trong tiềm thức và nó luôn là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông.

Bài và ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện làm báo của một phóng viên chiến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO