Bất động sản

Chuyên gia hiến kế tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội

Mai Đan (lược ghi) 31/05/2023 - 17:01

(TN&MT) - Ngày 31/5, tại Hà Nội, Báo Thanh niên tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội”. Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề về nhà ở xã hội.

img_4075.jpg
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên phát biểu tại tọa đàm

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên cho biết: Trong thời gian qua, nhà ở xã hội là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội cũng như độc giả Báo Thanh Niên. Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải. Đặc biệt những ngày gần đây, tại Hà Nội, dư luận nóng lên vì người dân chen lấn nộp hồ sơ mua căn hộ nhà ở xã hội dự án NHS Trung Văn (P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm) bất kể ngày đêm.

Quá đông người nộp hồ sơ, ngày 20/5 vừa qua, dưới thời tiết oi bức, buổi bốc thăm mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn được tổ chức tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy với khoảng 1.500 người đến bốc thăm giành quyền mua gần 150 căn hộ. Tỷ lệ chọi bốc thăm căn hộ nhà ở xã hội được ví như thi lên cấp 3 vào trường công.

Nhu cầu nhà ở xã hội cũng là nhu cầu của người trẻ. Những người mới lập nghiệp, những vợ chồng trẻ là công nhân, trí thức rất có nhu cầu tìm kiếm tổ ấm vừa với khả năng tài chính của mình, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống để cống hiến cho công việc, phát triển sự nghiệp.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo mong muốn các chuyên gia cùng chia sẻ, góp ý, tìm kiếm các giải pháp để tham mưu với Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Tăng nguồn cung để hạn chế tiêu cực trong phân phối nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân đang rất cao, thể hiện điển hình như việc bốc thăm mua căn hộ tại dự án NHS Trung Văn (Hà Nội) ngày 20/5 vừa qua, báo chí đã so sánh giống như thi đấu hay tỷ lệ chọi cao như thi đại học.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, giải pháp là làm sao tăng được nguồn nhà ở xã hội. Khi nguồn cung đáp ứng tương đối đầy đủ được nhu cầu thực tế thì các vấn đề tiêu cực như "cò mồi", thổi giá, tiền chênh… trong phân phối nhà ở xã hội mới có thể giảm xuống.

Để có được nguồn cung, về tạo quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư thì mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Như định mức lợi nhuận hiện nay cao nhất là 10%, nhưng trong tương lai các mức ưu đãi cao hơn như 15%, 20%... thì cần nghiên cứu xem xét sao cho thực chất, đúng mức. Tuy nhiên, cũng cần giúp doanh nghiệp hiểu về vai trò, nghĩa vụ chính trị đối với xã hội.

z4391353475269_d3fee575284b2102087224f15aec6672.jpg
Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Gần đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi thực chất hơn cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

10 nhóm hiện hành đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đã là rất lớn. Trước mắt, cần tập trung giải quyết thấu đáo rồi mới rà soát, nghiên cứu. 10 nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội như quy định hiện hành cũng đã được rà soát, nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa vào Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nhu cầu của các địa phương rà soát đăng ký gửi Bộ Xây dựng là khoảng 1,8 triệu căn hộ, nhưng từ nay đến năm 2030 cần tập trung giải quyết được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, để giải quyết được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng không đơn giản, phải là sự nỗ lực quyết tâm, cố gắng phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương…

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Tôi có 2 khu đất ở Hà Nội, nếu làm nhà ở thương mại diện tích xây dựng khoảng 150.000 m2, lãi khoảng 2.500 tỉ. Nhưng nếu làm nhà ở xã hội, tôi chỉ lãi được khoảng 10%, tương đương 200 tỉ.

Tuy nhiên, làm nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề là bán cho tất cả mọi đối tượng trong hệ thống chính trị: công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lương vũ trang, sinh viên…

img_4108.jpg
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình

Trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố cần mở rộng đối tượng mua nhà, cho người dân có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội đăng ký. Theo tính toán, tối thiểu 20 triệu người đang có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong vòng 20 - 30 năm tới, thị trường nhà ở xã hội luôn có nhu cầu.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Chính sách về nhà ở phải đi kèm cải cách chế độ tiền lương

Về kiến nghị của Hà Nội là giải quyết đất công xen kẹt trong phạm vi ranh giới dự án đầu tư thì rất nhiều nơi gặp khó khăn, chứ không riêng gì địa phương nào. Đó cũng là nguyên nhân gây ách tắc trong việc phê duyệt dự án nhà ở từ rất lâu, trong đó có cả TP.HCM.

Về nhà ở xã hội, hiện nay vẫn có quan niệm cũ là phải có sự bao cấp của Nhà nước như: đất đai không thu tiền, vốn làm nhà phải có ưu đãi… Tuy nhiên, thực tế rất nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng sức của mình để giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, giống như làm nhà ở thương mại giá rẻ. Lúc này, chúng ta cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đó là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội.

Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, cũng không nên có quan niệm là nhà ở xã hội mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn.

img_4103.jpg
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Ngoài ra, cần đi kèm với chính sách về nhà ở là cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi…, như vậy mới giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Sức doanh nghiệp có thể tạo ra được áp dụng công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu xây dựng làm giá thành nhà ở giảm đi rất nhiều.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước): Cần giải pháp tổng thể gỡ vướng cho nhà ở xã hội

Dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn (chủ đầu tư, nguồn mua nhà…), vốn ngân hàng chỉ là một phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai thêm gói 120.000 tỉ đồng đã rất sẵn sàng và tích cực, mong muốn là sớm giải ngân được cho các đối tượng.

Vướng mắc hiện nay nằm trong quy định, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất, ưu đãi thu hút nhà đầu tư… Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để tăng thanh khoản cho thị trường, khi mà có nguồn cung thì dòng vốn cho nhà ở xã hội sẽ được khơi thông.

z4392517433705_3b3ae8cd23111bf277ab4a00c3be1931.jpg
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Tại Nghị quyết 33 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã giao quyền các tỉnh, thành phố lên danh mục, phê duyệt danh mục dự án nhà ở xã hội. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước mong muốn các địa phương khẩn trương rà soát phê duyệt danh mục các dự án để đăng công khai, từ đó các ngân hàng thương mại có cơ sở xem xét cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hiến kế tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO