Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội cho các nước đang phát triển và Việt Nam

20/11/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 7 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí khậu (COP 22) chính thức khai mạc tại...

 

(TN&MT) - Ngày 7 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí khậu (COP 22) chính thức khai mạc tại Bab Ighli, Ma-ra-ket, Ma-rốc, 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới đã tham gia Hội nghị.

Tại COP 22, chuỗi sự kiện bên lề khởi động đối thoại chính sách về chủ đề năng lượng với chủ đề “Vùng Xanh” đã được tổ chức sôi nổi thông qua các hành động và kết quả cụ thể bằng việc ký kết hàng loạt các Thỏa thuận về tài chính ưu tiên cho các dự án về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.

Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng là những nội dung trọng tâm của các thỏa thuận quốc tế về tài chính được ký kết tại COP 22, Ma-rốc. Các Thỏa thuận này sẽ cung cấp nguồn ngân sách cho các dự án thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải, hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo ở Châu Phi và các vùng phía nam Châu Phi, trong đó có hỗ trợ đào tạo về công nghệ năng lượng mặt trời.

Thỏa thuận đầu tiên được ký kết là Dự án Sử dụng điện nước quốc gia (ONEE) do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) tài trợ với trị giá 594triệu Dirhams, Ma-rốc (tương đương khoảng 59 triệu USD). Thỏa thuận này sẽ đầu tư nâng cấp mạng lưới xử lý nước thải tại 30 đô thị. Bên cạnh đó, Dự án này còn cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Cũng trong ngày tổ chức sự kiện bên lề khởi động về chủ đề năng lượng, ONEE và Ngân hàng Phát triển hồi giáo (IDB) đã ký Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Tiểu vùng xa mạc Sa-Ha-Ra, Châu Phi nhằm tăng cường điện khí hóa nông thôn của Tiểu vùng này.

Để tăng cường hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và hệ thống chiếu sáng công cộng, một Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Dự án ONEE, Caisse de Dépôt et de Gestion (CDG), Cơ quan Hiệu quả năng lượng của Ma-rốc (AMEE) và Ngân hàng tái thiết Đức. Bên cạnh đó, một Biên bản ghi nhớ khác cũng được ký kết giữa Bộ Năng lượng, Mỏ, Nước và Môi trường và Cơ quan Quản lý và giám sát năng lượng Liên bang của Ma-rốc và Địa trung hải.

Bên cạnh đó, các tổ chức Nova Energie, Châu Phi Xanh, Risen Energy và Công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc đã ký kết một Thỏa thuận hỗ trợ việc thành lập Dự án quang điện mặt trời gồm các hợp phần lắp đặt và xây dựng một nhà máy điện với công suất từ 45 đến 100 megawatts. Để thực hiện dự án này, một cơ quan hỗ trợ kỹ thuật sẽ được thành lập để đào tạo các cán bộ kỹ thuật về công nghệ năng lượng mặt trời.

Về lĩnh vực năng lượng gió, Tổ chức Châu phi Xanh và Voltalia Morocco cũng đã ký kết một Thỏa thuận về việc xây dựng một dự án điện cao áp tại tỉnh Laayoune. Tại các vùng phía nam Châu Phi, đã có hai công ty ký thỏa thuận hợp tác để triển khai xây dựng một dự án điện gió tại vùng nông thôn Foum El Ouad.

Phát biểu tại sự kiện bên lề khởi động đối thoại chính sách về năng lượng, ông Moulay Hafid Elalamy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại, Đầu tư và Kinh tế số, đã khẳng định cam kết của Ma-rốc về lộ trình chuyển đổi năng lượng và cân bằng các bon. Tại COP 21 tổ chức tại Paris, 2015, Ma-rốc đã cam kết tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 42% vào năm 2020 lên 52% vào năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Elalamy cho rằng để mô hình chuyển đổi năng lượng của Ma-rốc thực hiện thành công cần có thiện chí chính trị của các nhà lãnh đạo và các giải pháp khả thi để thực hiện Chiến lược năng lượng quốc gia.

Sự kiện đáng chú ý của sự kiện bên lề này tại COP 22 là sự tham gia của Bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal, Chánh văn phòng phụ trách năng lượng của Chính phủ Đức, Rainer Baake và Chánh Văn phòng Chính phủ Bồ Đào Nha Jorge Seguro Sanches. Qua đó khẳng định sự quan tâm và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng của các nước phát triển, đồng thời đây cũng là cơ hội không những cho các nước đang phát triển ở Châu Phi mà còn là cơ hội cho các nước đang phát triển khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong việc huy động sự hỗ trợ và thu hút nguồn đầu tư từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.

ThS. Ngân Ngọc Vỹ

Phó Trưởng ban BĐKH và các vấn đề toàn cầu

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội cho các nước đang phát triển và Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO