Chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường

31/01/2016 00:00

(TN&MT) - Bước sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì phương thức quản lý, cơ chế hoạt động của...

 

(TN&MT) - Nông, lâm trường quốc doanh từng là kỳ tích trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển kinh tế theo kế hoạch tập trung – bao cấp. Bước sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì phương thức quản lý, cơ chế hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần phải sắp xếp, chuyển đổi cho phù hợp.

Xắp xếp, chuyển đổi theo cơ chế thị trường

Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003, của Bộ Chính trị thì: Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải đi đôi với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Cơ sở hạ tầng khu vực nông lâm trường ngày càng được xây dựng khang trang
Cơ sở hạ tầng khu vực nông lâm trường ngày càng được xây dựng khang trang

Theo đó, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải gắn với đổi mới về cơ chế quản lý theo hướng phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích. Nghĩa là nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh thì phải chuyển hẳn sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự hỗ trợ cần thiết và có điều kiện của Nhà nước. Những nông, lâm trường đã chuyển sang kinh doanh nhưng còn phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ thích hợp. Chuyển sang loại hình sở hữu khác hoặc giải thể những nông, lâm trường nhiều năm làm ăn thua lỗ hoặc thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn thu cho thuê đất, không có yêu cầu giữ lại.

Sau 12 thực hiện đến nay, việc xắp xếp, chuyển đổi hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thực chất, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp vẫn chủ yếu là quản lý diện tích đất và vườn cây hiện có để hợp đồng giao khoán với công nhân, nông dân trong vùng. Phần đất còn lại cho thuê, mượn trái quy định của pháp luật, mà chưa có định hướng phát triển rõ ràng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chính vì thế, tình trạnh phát sinh tranh chấp đất đai, hợp đồng nhận khoán, tranh chấp vườn cây diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Một số công ty nông, lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động sang kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho công nhân, nông dân nhận khoán, liên kết. Song mối liên hệ này không rõ ràng, minh bạch, thiếu sự kết nối, ràng buộc bền vững nên đã xảy ra tranh chấp như: người dân không bán sản phẩm cho công ty và người lại công ty không mua sản phẩm của người dân sau thu hoạch.

Người dân nhận khoán chăm sóc hồ tiêu
Người dân nhận khoán chăm sóc hồ tiêu

Nhiều chuyên gia kinh tế nông, lâm nghiệp nhận định: nên chuyển hẳn hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp sang hoạt động kinh doanh dịch vụ và đóng vai trò chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân trong vùng nguyên liệu. Còn việc quản lý đất đai, hợp đồng nhận khoán vườn cây phải có cơ chế quản lý chặt chẽ. Về sản xuất, nông dân đóng vai trò chủ động và thực hiện thương mại cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình kinh tế thì mới phát huy hiệu quả. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cung cấp vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH Nesstle Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai… đã và đang thực hiện khá tốt việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng cao như: Cà phê, Hồ tiêu 4C, sản phẩm nông nghiệp Vietgap, hay trồng rừng nguyên liệu với sự liện kết chặt chẽ từ khâu cung cấp dịch vụ đầu vào đến thu mua sản phẩm sau thu hoạch.

Từ đó, nhiều trường hợp người dân đang canh tác trên đất hợp đồng với các công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh nhưng vẫn liên kết với các doanh nghiệp khác để sản xuất hàng hóa cung cấp cho họ. Đây là điều cần phải được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình xắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp trong thời gian đến.

Từ chính sách đến thực tiễn

Theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 /12 /2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp sẽ được chuyển đổi theo các hình thức sau:  Duy trì, củng cố và phát triển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty kinh doanh ngành nghề chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cổ phần hóa công ty còn lại nhưng nhà nước không nắm cổ phần chiến lược; thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; giải thể công ty kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được…

Đất lâm trường cho thuê trồng rừng nguyên liệu
Đất lâm trường cho thuê trồng rừng nguyên liệu

Đường hướng từ chính sách là khá rõ, nhưng để tránh tình trạng thực hiện theo kiểu “bình mới - rượu cũ” như hơn một thập kỷ qua, thì cần có cách làm cụ thể và rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Vọng - Giám đốc công ty TNHH MTV cà phê Ea Sim cho biết: Công ty có vốn 100% nhà nước thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam. Trong phương án xắp xếp doanh nghiệp sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần. Song, cách thực hiện như thế nào còn rất mơ hồ, lúng túng. Nhiều năm liền, Công ty hạch toán sản xuất kinh doanh thua lỗ; người lao động thuộc biên chế chủ yếu là cán bộ khung, công nhân sản xuất trực tiếp thực hiện theo hợp đồng nhận khoán vườn cây và giao nộp sản phẩm. Chính vì vậy, trong quá trình cổ phẩn hóa phải đưa người lao động nhận khoán thành một cổ đông của công ty là cần thiết để gắn kết trách nhiệm cùng phát triển.

Đất lâm trường trồng cây ngắn ngằn
Đất lâm trường trồng cây ngắn ngằn

Hay tại công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur sẽ được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên. Mục tiêu là tiếp tục phát huy vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho công nhân, nông dân nhận khoán và người dân trong khu vực. Ông Trần Minh Tâm, CT.HĐTV kiêm GĐ Cty TNHH MTV cà phê Ea Ktur cho biết: Trong những năm qua công ty đang sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả, lợi nhuận hàng năm là hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Sản phẩm của công nhân làm ra được bao tiêu theo giá thị trường. Song thực tế, công ty cũng là điểm nóng về khiếu nại khiếu kiện về tranh chấp đât đai, tranh chấp hợp đồng giao khoán. Nếu chuyển đổi hoạt động sang công ty TNHH hai thành viên mà không giải quyết được mâu thẫu này thì chẳng khác gì đổi tên gọi còn phương thức hoạt động không đổi mới so với hiện tại.                

Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO