Chuyển đổi cây trồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt

02/03/2016 00:00

(TN&MT) - Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino khốc liệt nhất trong lịch sử, từ tháng 12/2015 đến nay, hạn và mặn đã xâm nhập sâu vào miền Tây Nam bộ, các cửa sông vùng ĐBSCL, khiến hoa màu, cây trồng thiệt hại nặng nề. Việc hiện thực hóa các giải pháp thích ứng cây trồng để giảm thiểu tác động trước các hình thái BĐKH đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Hạn, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thì xâm nhập mặn tại vùng cửa sông Nam Bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2/2016 mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4 g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016.

Hiện nay mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước mặn đã vào gần 1/2 diện tích các tỉnh Kiên Giang, một phần phía Đông tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Tại thị xã Tân An (Long An) cách biển hơn 70 km, độ mặn đo được từ 10 - 12 g/l, vượt khả năng chịu đựng của cây trồng.

Theo Bộ NN-PTNT, vụ lúa Đông-Xuân 2015 - 2016, toàn vùng ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha. Trong đó hơn 970.000 ha lúa thuộc 8 tỉnh ven biển, chiếm hơn 62%, thì có đến 340.000 ha đứng trước nguy cơ bị hạn, mặn và hiện có hơn 104.000 ha bị ảnh hưởng nặng.

Tại Vĩnh Long, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều vườn cây ăn trái chuyên canh bưởi da xanh, sầu riêng, xoài. Trong khi đó ở Hậu Giang và Vĩnh Long là vùng chuyên sản xuất cây ăn trái, nhưng từ sau Tết đến nay độ mặn lấn sâu, có nơi đo được trên 3%.

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay các tuyến kênh trong tỉnh bị xâm nhập mặn lấn sâu vào 34 km nội đồng. Riêng tại TP Rạch Giá, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng kéo dài từ tháng 7/2015.

Giống lúa chịu mặn sẽ được nhận rộng tại ĐBSCL

Thích ứng cây trồng là biện pháp lâu dài

Trước mắt, Bộ NN-PTNT yêu cầu bà con nông dân bố trí thời vụ sản xuất và xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và vụ mùa 2016 hợp lý, tránh hạn, mặn. Thời vụ lúa Hè Thu 2016 tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, thích ứng cây trồng lại là biện pháp lâu dài để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các hình thái biến đổi khí hậu.

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay, ngoài các giống lúa thích ứng với điều kiện thâm canh, nước ta cũng đã có các bộ giống lúa thích ứng với điều kiện úng ngập (bộ giống chịu úng: U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện CLT-CTP), các giống chịu mặn như M6, bàu tép; các giống chịu phèn như Tép lai; các giống chịu hạn: CH2, CH3, CH5, CH133 (Viện CLTCTP), các giống thuộc sê-ri LC của Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật... Những giống này chưa nhiều nhưng sẽ là tiền đề để các nhà chọn giống tiếp tục nghiên cứu, lai tạo ra những giống thích ứng với các điều kiện của BĐKH như giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập lụt.

Bên cạnh các giải pháp và công nghệ canh tác ở vùng khô hạn và sa mạc hóa, được nhiều nơi nghiên cứu chọn tuyển những cây giống khỏe, chịu khô hạn như: điều, ca cao, ôliu...; các cây nông nghiệp ngắn ngày: hành tím, khoai lang, mì (sắn), đậu, mía...; các cây ăn quả đan xen: thanh long, xoài, mãng cầu xiêm (na); một vài loại rau, ớt... đều được tuyển chọn đã chịu được hạn.

Việt Nam cũng có một lợi thế tuyệt vời để đối phó với nước biển dâng là có thể sử dụng đất đồi núi để phát triển nhiều loại công, nông, lâm nghiệp trong những điều kiện đất, nước khác nhau, như: cao-su, cây dừa, cây cọ dầu...; cây ăn trái, cây xa kê, cây hạt dẻ...

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng nhận định, tình hình hạn và mặn ở ĐBSCL có thể diễn biến lâu dài, nên các địa phương phải chủ động ứng phó kịp thời. Bộ NN-PTNT rà soát quy hoạch thủy lợi và chuyển đổi vùng sản xuất, đưa ra các giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu với vùng mặn, lợ ở một số tỉnh ven biển.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cây trồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO