Chuyện cảm động của những chàng trai, cô gái bỏ phố lên rừng xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt

12/06/2018 10:32

(TN&MT) – Với kiến thức và kinh nghiệm học được ở nước ngoài, những chàng trai, cô gái trẻ tuổi này hoàn toàn có thể tìm được một công việc có mức thu nhập đáng...

(TN&MT) – Với kiến thức và kinh nghiệm học được ở nước ngoài, những chàng trai, cô gái trẻ tuổi này hoàn toàn có thể tìm được một công việc có mức thu nhập đáng mơ ước ở những thành phố lớn. Thế nhưng họ lại cùng nhau tìm về miền núi cao còn nhiều khó khăn để xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt vì cộng đồng.
 
Mô hình chưa có tiền lệ?
 
Số liệu thống kê hiện nay cho biết, 80% xã, phường, thị trấn ở khắp Việt Nam có Trung tâm học tập cộng đồng. Mô hình này được tạo ra nhằm xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Hiện các trung tâm này có giám đốc là phó chủ tịch xã/phường, phó giám đốc là hiệu trưởng một trường học trên địa bàn và một cán bộ xã/phường kiêm nhiệm. Trung tâm nhận sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng GD&ĐT và được cấp ngân sách vận hành khoảng 30 triệu đồng/năm.
 
Tuy nhiên, tỉnh Hà Giang hiện đang thử nghiệm mô hình Trung tâm học tập cộng đồng chưa có tiền lệ dựa trên cơ sở một đơn vị sự nghiệp công lập hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của chuyên gia được đề cao. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, nhân tố tạo nên mô hình này chủ yếu là những chàng trai, cô gái trẻ “Tây học”, bỏ phố để tìm về những vùng núi cao còn nhiều khó khăn xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt vì cộng đồng.
Trung tâm học tập cộng đồng Ha Giang 1
Một buổi học tiếng anh cho trẻ tại Trung tâm giáo dục cộng đồng TP Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tìm gặp Hoàng Diệu Thúy (sinh sống ở TP. Hà Giang), Giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang chúng tôi rất bất ngờ vì Thúy còn rất trẻ. Trong những năm tháng du học ở nước Úc xa xôi, cô đã học tập và mang mô hình giáo dục dựa vào cộng đồng ở đó về áp dụng tại Việt Nam. Đề cập với những điểm mới của mô hình này, Thúy hồ hởi cho biết: “Hiện nay Trung tâm giáo dục cộng đồng TP Hà Giang hoạt động mô hình với 4 hợp phần gồm: Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS); chương trình giáo dục đặc biệt; chương trình dạy học theo phương pháp STEM (một chương trình tích hợp 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và chương trình thư viện cho em”.
 
Thúy chia sẻ, đối với chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em DTTS, Trung tâm ưu tiên tổ chức tại các địa phương vùng sâu, vùng xa để giảng dạy. Chương trình này đã góp phần giúp cho trẻ em DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa này có thể sử dụng khá tốt tiếng Anh qua đó góp phần phát triển du lịch ngay tại địa phương. Đối với mô hình dạy học theo phương pháp STEM, mô hình này giúp trang bị cho các học sinh trong nhà trường những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đặc biệt, STEM giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể tự tay áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
Trung tâm học tập cộng đồng Ha Giang 2
Một buổi thực hành về lĩnh vực khoa học của các em học sinh ở trung tâm: Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đáng nói hơn cả của mô hình này là học phần giảng dạy cho những đối tượng đặc biệt. Có mặt tại phòng vận động, PV ghi nhận được trường hợp của một cậu bé năm nay đã bước vào cấp 3, nhưng vừa trải qua một ca phẫu thuật khối u trong não. Việc phẫu thuật trên tuy có thể tiếp tục duy trì sự sống cho cậu bé, nhưng lại vô tình khiến nhận thức của cậu đi ngược lại với quy trình phát triển tự nhiên (tức là từ người trưởng thành dần trở lại như một đứa trẻ lên ba). Được mọi người giới thiệu, gia đình đã đưa cậu bé tới Trung tâm giáo dục công đồng TP Hà Giang để nhờ giúp đỡ. Mặc dù mới trải qua một liệu trình điều trị ngắn, nhưng tình trạng của cậu bé trên phát triển hết sức khả quan.
 
“Từ khi thành lập tới nay, Trung tâm đã tiến hành can thiệp, trị liệu cho 24 em có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều mức độ dạng tật khác nhau như tự kỷ, rối loạn giao tiếp, rối loạn tăng động, giảm tập trung” – Hoàng Diệu Thúy cho biết thêm.
 
Sản phẩm của những con người dũng cảm
 
Quá trình tìm hiểu về mô hình giáo dục đặc biệt này, phóng viên đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những những chàng trai, cô gái dám dấn thân, dám từ bỏ những điều kiện vật chất để thực hiện những ước mơ giúp đỡ nhiều mảnh đời còn khó khăn vất vả.
 
Là một trong những thành viên đồng sáng lập trung tâm, Hoàng Diệu Thúy cho biết: “Mô hình này là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu. Trong thời gian 3 năm tôi du học ở Úc, tôi được học hỏi về mô hình giáo dục cộng đồng tiên tiến, đồng thời ấp ủ ước mơ đem hô hình đó về áp dụng ở Việt Nam. Rất may là đồng chia sẻ với một vài người bạn từng học bên Úc, tôi thấy họ cũng có hoài bão giống tôi. Đó là bạn Dương Thu Trang (người dân tộc Tày, quê Hà Giang) và anh Đỗ Quyết Tiến (quê Hà Nội). Chúng tôi ngồi lại với nhau và cùng nhau xây dựng đề án để triển khai mô hình giáo dục vì cộng đồng ở tỉnh Hà Giang”.
Trung tâm học tập cộng đồng Ha Giang 3
Học sinh khiếm khuyết về thể chất được giáo viên Trung tâm kiên trì giảng dạy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, giữa ý tưởng và thực tại vẫn là một khoảng cách vô cùng xa vời, với muôn vàn khó khăn, thử thách. Giữa hoàn cảnh đó, Hoàng Diệu Thúy đã gửi một bức thư điện tử cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Giang với mong muốn được trình bày trực tiếp về đề án hết sức ý nghĩa trên. Bất ngờ thay, thư Thúy gửi vào thứ 7, thì đến sáng ngày hôm sau, thư ký riêng của Bí thư tỉnh đã gọi điện cho Thúy cùng cộng sự hẹn gặp. Trong buổi gặp mặt đó, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang cũng tỏ ra rất vui mừng với việc các bạn trẻ đi du học về muốn đóng góp cho quê hương và sẵn lòng tạo điều kiện cho nhóm hoạt động.
 
Được tạo điều kiện, nhóm của Thúy đã phối hợp cùng với các ban ngành địa phương hoàn tất đề án “Mô hình thí điểm Trung tâm Giáo dục Cộng đồng thành phố Hà Giang”, ra mắt tháng 8 năm 2017, trực thuộc UBND TP Hà Giang. Hiện trung tâm gồm 14 người đến từ nhiều địa phương, nhưng cùng chung quyết tâm, ý tưởng.
 
Với tuổi đời còn rất non trẻ, nhưng rõ ràng những thành tựu mà Trung tâm giáo dục cộng đồng TP Hà Giang bước đầu đã đạt được là hết sức đáng khích lệ. Và trên hết, mô hình giáo dục đặc biệt trên được tạo nên từ những con người vô cùng đặc biệt nêu trên
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cảm động của những chàng trai, cô gái bỏ phố lên rừng xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO