Chư Sê – Gia Lai: Nhiều hộ dân khốn khổ vì đường gom

14/06/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, huyện Chư Sê (Gia Lai) thực hiện dự án sửa chữa nâng cấp vỉa hè và xây thêm đường gom 2 bên đường trung tâm huyện đã khiến người...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, huyện Chư Sê (Gia Lai) thực hiện dự án sửa chữa nâng cấp vỉa hè và xây thêm đường gom 2 bên đường trung tâm huyện đã khiến người dân bất bình vì tạo ra nhiều bất cập, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dự án đường gom huyện Chư Sê gây bức xúc trong nhân dân
Dự án đường gom huyện Chư Sê gây bức xúc trong nhân dân

Công trình sửa chữa nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương (đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê) triển khai từ khoảng tháng 3-2016, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I có chiều dài khoảng 1km; giai đoạn II có chiều dài khoảng 2km. Công trình hai bên đường Hùng Vương được chia làm 3 hạng mục gồm 3m sát làn đường ô tô sẽ được xây dựng thành bồn hoa, cây cảnh; 3m tiếp theo làm đường dành cho xe máy (tức là đường gom); 3m còn lại được dùng làm vỉa hè. Theo phản ánh của người dân, trước khi triển khai thực hiện đường gom, UBND huyện Chư Sê không hề trưng cầu ý dân mà chỉ ra thông báo rồi bắt phải tuân theo. “Khi triển khai làm km đường gom đầu tiên, người dân đã tỏ ý kiến không đồng tình thế nhưng, UBND huyện Chư Sê vẫn cứ tiến hành với lý do… nguồn vốn không phải do dân đóng góp nên không phải thông qua dân”, ông Phan Văn Chất (SN 1974, chủ đại lý VLXD Bốn Chất) nói.

Dự án đường gom huyện Chư Sê gây bức xúc trong nhân dân
Dự án đường gom huyện Chư Sê gây bức xúc trong nhân dân

Cũng theo ông Chất, kể từ khi huyện triển khai thực hiện đường gom, các hộ kinh doanh trên trục này rất khổ sở. Đơn cử, người dân buôn bán thì cần sự thông thoáng nhưng đường gom lại hạn chế xe ra vào khiến việc nhập-xuất hàng hóa rất khó khăn. Còn theo bà Võ Minh Huệ (SN 1955) thì, trước đây các hộ kinh doanh buôn bán rất thuận lợi nhưng kể từ khi có đường gom thì tình hình hết sức trì trệ, giảm trên 50% lợi nhuận và khách hàng thì thưa thớt đi nhiều. “Dù chúng tôi buôn bán không ra sao nhưng các khoản thuế má có được nợ tháng hay quý nào đâu. Chúng tôi nghĩ việc xây dựng đường gom là không cần thiết vì gây mất mỹ quan đô thị, cản trở việc kinh doanh của dân và thu hẹp diện tích tham gia giao thông, khiến nảy sinh nguy cơ tai nạn giao thông”, bà Huệ phản ánh.

Người dân bức xúc vì đường gom này mà phải đập phá lùi nhà lần thứ ba
Người dân bức xúc vì đường gom này mà phải đập phá lùi nhà lần thứ ba

Người dân còn thắc mắc về tiêu chuẩn mở đường gom vì độ rộng hết sức bất nhất. Cụ thể, ở giai đoạn I thì phần dành cho xe chạy của đường gom được mở rộng 3m, nhưng giai đoạn II thì người dân được chính quyền thông báo sẽ mở rộng 4m. Không chỉ vậy, UBND huyện Chư Sê còn không nhất quán trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể, nhiều hộ sau khi đập một phần nhà để lùi vào trong 3m tính từ mép vỉa hè theo thiết kế thì vài ngày sau lại phải lùi vào thêm khoảng 1m (tính từ tim đường đến nhà là 17,5m). Vôi vữa vẫn còn chưa kịp ráo thì lại có chỉ đạo yêu cầu tiếp tục lùi nhà vào 19,5m tính từ tim đường. “Đẹp đâu không thấy chỉ thấy đau khổ cho dân. Cửa hàng kinh doanh mà cứ suốt ngày sửa chữa, chúng tôi đã phải đập nhà để lùi vào theo chỉ đạo đến lần 3 rồi đấy. Chúng tôi nào có chống đối, nhưng cứ tình trạng nay một kiểu, mai một cách, rồi cứ thế bắt dân làm thì tiền đâu mà chịu nỗi”, bà Phạm Thị Thủy (SN 1965) bức xúc.

Người dân bức xúc vì đường gom này mà phải đập phá lùi nhà lần thứ ba
Người dân bức xúc vì đường gom này mà phải đập phá lùi nhà lần thứ ba

Làm việc với ông Trần Văn Lam-Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê được biết, dự án đường gom là chủ trương của huyện Chư Sê. Về việc có sự bất nhất về độ rộng đường gom ở 2 giai đoạn, ông Lam nói rằng đó là vì giai đoạn I làm 3m thấy hơi chật nên qua giai đoạn II mở rộng thêm thành 4m, đây là phương pháp tiên tiến hơn. Bởi, hiện không có quy định về độ rộng của đường gom nên ngân sách bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Ông Lam chỉ khẳng định rằng đường gom đã được các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải của tỉnh Gia Lai thẩm định và phê duyệt và các bước tiến hành thực hiện đều hợp lý, còn ngoài ra thì không cung cấp gì thêm.

Làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Đông - Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho biết, việc kiểm tra hồ sơ dự án đường gom huyện Chư Sê không thuộc trách nhiệm của Sở. Sở Xây dựng không thẩm định và cũng không cấp phép cho dự án trên. Cũng khẳng định không thẩm định và cấp phép cho dự án đường gom Chư Sê, ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cho biết đã nhận được đơn của người dân và đang phối hợp với huyện Chư Sê để giải quyết.

Ngọc Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư Sê – Gia Lai: Nhiều hộ dân khốn khổ vì đường gom
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO