Chủ động ứng phó trước những nguy cơ do biến đổi khí hậu

27/01/2014 00:00

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức với toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực chịu tác động hết sức nặng...

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức với toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực chịu tác động  hết sức nặng nề. Trước nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng đặt ra những chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực để giải quyết những vấn đề bức xúc trước  nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra. Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi cùng Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà,  xung quanh vấn đề này.
   
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
   
Phóng viên (PV): Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng định hướng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong thời gian tới, xin ông cho biết tầm quan trọng và một số điểm cốt lõi của Nghị quyết?
   
Thứ trưởng Trần Hồng Hà:
Về tầm quan trọng của Nghị quyết, có thể thấy rằng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT - XH. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, đất nước đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình. Công tác ứng phó với BĐKH, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tài nguyên, môi trường  đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
   
  Tuy nhiên, BĐKH trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trái đất đang nóng lên, mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ ngày càng gia tăng. Là nước có bờ biển dài, địa hình hẹp và dốc ra biển, nhiều địa bàn thấp, Việt Nam đã và đang chịu tác động mạnh của BĐKH. Bên cạnh đó, với điểm xuất phát là một quốc gia nghèo, trình độ phát triển lạc hậu, vừa thoát ra khỏi 30 năm chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta phải tập trung cho tăng trưởng. Vì vậy, bên cạnh các tác động của BĐKH, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt tài nguyên.
   
  Chiến lược phát triển KT - XH của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh phải tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, song các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết hữu cơ giữa 3 lĩnh vực trên và gắn kết với phát triển KT - XH theo hướng phát triển bền vững.
   
  Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW có vai trò hết sức quan trọng trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong tình hình mới, làm kim chỉ nam cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nghị quyết là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới một mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững ở nước ta trong tương lai.
   
Về những điểm cốt lõi của Nghị quyết, có thể chỉ ra một số vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, về quan điểm, Đảng ta coi chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; có mối quan hệ, tác động qua lại; cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển. Trong ứng phó với BĐKH phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ trong đó thích ứng làm trọng tâm và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là cơ hội để phát triển. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững. Bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính.
   
  Cách nhận thức mới này sẽ giúp cho chúng ta có những thay đổi trong tiến trình phát triển, phù hợp với trào lưu chung của thế giới và cũng phù hợp với đường lối chung của Đảng và Nhà nước ta là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng phải gắn liền với bảo vệ môi trường.
   
Thứ hai, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra là đến năm 2020, về cơ bản, chúng ta phải chủ động được trong thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; phải đạt được những chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, đồng thời kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, qua đó bảo đảm chất lượng môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
   
  Tầm nhìn đến 2050 mà Nghị quyết đưa ra là nước ta sẽ chủ động ứng phó với BĐKH; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống, cân bằng sinh thái và phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.
   
Thứ ba, để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra.
  Về các nhiệm vụ, cần đặc biệt chú trọng đến các nhiệm vụ chung, cụ thể là phải thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thực hiện phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên và thích ứng với BĐKH làm căn cứ để lập quy hoạch phát triển. Áp dụng thí điểm phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên, môi trường và thích ứng với BĐKH. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và BĐKH theo chuẩn quốc tế.
   
  Đối với từng lĩnh vực, trong ứng phó với BĐKH cần chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn. Trong quản lý tài nguyên, cần phải đẩy mạnh điều tra, đánh giá diễn biến của các loại tài nguyên để làm cơ sở cho việc quy hoạch và quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững. Trong bảo vệ môi trường, cần phải tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát, hạn chế việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm mới, đồng thời phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
   
PV: Xin ông cho biết Việt Nam đã và sẽ làm gì để cùng với các quốc gia ứng phó với BĐKH một cách có hiệu quả?
   
Thứ trưởng Trần Hồng Hà:
  Để ứng phó với BĐKH, trong thời gian qua, Việt Nam đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế, cụ thể là:
Trong nước,Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng phó với BĐKH như Luật Đê điều, Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, Pháp lệnh phòng chống lụt, bão... Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh đã được phê duyệt. Đã thành lập Ủy ban quốc gia về BĐKH, hình thành đơn vị đầu mối ở Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BĐKH. Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH được thực hiện.
   
  Đồng thời, chúng ta đã triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Kịch bản BĐKH, nước biển dâng đã được xây dựng, cập nhật và công bố. Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH được triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả bước đầu. Đã triển khai nghiên cứu đánh giá được tác động của BĐKH đến một số lĩnh vực, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hành động ứng phó. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng lên một bước; công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai quán triệt theo phương châm “4 tại chỗ”. Việc nâng cao điều kiện phòng, chống thiên tai cho các khu dân cư tại các vùng có nguy cơ, vùng ngập lũ, vùng ven biển đã được quan tâm.
   
  Tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo, các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được triển khai. Một số ngành và địa phương đã đạt được kết quả bước đầu trong các lĩnh vực này. Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu chủ động đầu tư khai thác thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Chương trình giảm mất rừng, suy thoái rừng nhằm giữ khả năng hấp thụ khí nhà kính của hệ sinh thái rừng được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Chính phủ một số nước.
   
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto; Chúng ta không ngừng được đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH; chúng ta đã và đang thể hiện vai trò ngày càng tích cực và có trách nhiệm trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế về BĐKH. Nhờ đó, Việt Nam đã huy động được các khoản tài trợ và vay ưu đãi quốc tế cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, ví dụ như hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chính phủ nước ngoài cho Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (Chương trình SP-RCC), Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
   
  Trong thời gian tới để Việt Nam sẽ tập trung thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng định hướng cho hoạt động ứng phó với BĐKH đã được Đảng, Nhà nước ban hành như Nghị  quyết số 24-NQ/TW, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch Hành động quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung thực hiện một số hoạt động chính như sau:
   
Trong nước, chúng ta sẽ xây dựng và tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, chủ động trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế, khắc phục triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, trong đó ưu tiên; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên nhằm tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính, trong đó thúc đẩy thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện quốc gia.
   
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam sẽ cùng với cộng đồng quốc tế đàm phán để xây dựng thoả thuận quốc tế mới làm văn bản có tính ràng buộc pháp lý toàn cầu để ứng phó với BĐKH. Đây sẽ là nội dung trọng tâm của Đoàn đàm phán của Việt Nam từ nay cho đến COP21 tại Paris.
   
  Đồng thời, chúng ta sẽ tích cực tham gia các cơ chế toàn cầu như CDM, REDD+, NAMA, thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương như Cơ chế tín chỉ chung (JCM) với Nhật Bản, tiếp tục tổ chức, tham gia các diễn đàn đa phương về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
   
PV: Để chủ động ứng phó với với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc như thế nào, thưa ông?
   
Thứ trưởng Trần Hồng Hà:
  Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các Bộ, ngành, địa phương cần phải vào cuộc một cách quyết liệt với những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
   
Thứ nhất, phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của bộ, ngành, địa phương.
   
Thứ hai, sớm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết; lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH vào các chương trình phát triển ngành, phát triển KT - XH; bổ sung các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm của ngành, địa phương và hàng năm thực hiện và kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện.
   
Thứ ba, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
   
  Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đến công tác nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
   
PV:Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Phạm Hà (thực hiện)
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó trước những nguy cơ do biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO