Chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu

28/01/2016 00:00

  (TN&MT) - Sông Hậu là một nhánh sông lớn trong hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm. Trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và...

 

(TN&MT) - Sông Hậu là một nhánh sông lớn trong hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm. Trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì có địa giới chạy dọc theo sông Hậu (riêng phía Bắc tỉnh Trà Vinh còn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ sông Tiền).

Vàm Rạch Vọp (gần trạm Phong Nẫm) nhận một lưu lượng nước khá lớn từ sông Hậu dẫn vào nội địa huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nếu nơi đây bị xâm nhập mặn, có nguy cơ một phần huyện Kế Sách bị ảnh hưởng.
Vàm Rạch Vọp (gần trạm Phong Nẫm) nhận một lưu lượng nước khá lớn từ sông Hậu dẫn vào nội địa huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nếu nơi đây bị xâm nhập mặn, có nguy cơ một phần huyện Kế Sách bị ảnh hưởng.

Hàng năm, nước mặn thường xuất hiện ở sông Hậu vào mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm sau. Chỉ khi đến mùa mưa, nước mặn mới bị đẩy lùi xa về phía biển. Những năm qua, nước mặn từ biển vào sâu thượng nguồn sông Hậu khoảng 50 km.

Ngay từ giữa năm 2015, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã thông báo về hiện tượng mặn bất thường ở các sông ở ĐBSCL, trong đó có sông Hậu. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Trước hết là do mưa ở thượng nguồn sông Mekong rất thấp, chỉ có 40 - 60% so với những năm trước dẫn đến lưu lượng nước xuống ĐBSCL rất thấp. Mưa ở ĐBSCL cũng thấp hơn trung bình nhiều năm nên mực nước trên sông Tiền và Hậu đều thấp, dẫn đến nước biển có điều kiện xâm nhập sâu vào đất liền.

Còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác đã xảy ra từ giữa năm 2015 đến nay là dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL bị sự chi phối của các hồ chứa ở thượng lưu. Vì vậy, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2016 ở ĐBSCL nói chung, sông Hậu nói riêng được dự báo sẽ còn phức tạp hơn, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trước hết là đối với tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh - 2 tỉnh ở cuối nguồn sông Hậu và giáp biển Đông.

Quốc lộ Nam Sông Hậu là con đê ngăn mặn hữu hiệu cho nhiều vườn cây ăn trái phía bên trong quốc lộ.
Quốc lộ Nam Sông Hậu là con đê ngăn mặn hữu hiệu cho nhiều vườn cây ăn trái phía bên trong quốc lộ.

Sông Hậu khi qua địa giới 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chia ra làm 2 nhánh (do ở giữa dòng sông có nhiều cù lao (cồn), trong đó có những cù lao lớn như cồn Cò, cồn Phong Nẫm, cồn Tân Quy... và cù lao lớn nhất là cù lao  Dung ở hạ nguồn. Bên phía Sóc Trăng, sông Hậu đổ ra biển qua cửa Trần Đề nên đoạn sông này còn gọi là sông Trần Đề. Phía Trà Vinh, sông Hậu đổ ra biển bằng cửa Định An nên đoạn sông này còn gọi là sông Định An. Tốc độ dòng chảy ở 2 sông Trần Đề, Định An có khác nhau nên sự xâm nhập mặn ở 2 sông cũng khác nhau. Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã sớm có dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2016, riêng ở sông Hậu, được dự báo như sau:

- Tại trạm Phong Nẫm (Sóc Trăng) cách biển 50 km - tương đương với trạm An Phú Tân (Trà Vinh) cách biển 60 km (do cửa Định An ở xa hơn so với cửa Trần Đề), trong tháng 2, những ngày triều cao có xuất hiện nước mặn (trên 4g/l); tháng 3, nước ngọt vẫn  có lúc  triều thấp kém; tháng 4, khi  triều cao có xuất hiện nước mặn, nước mặn có thể xâm nhập vào các kênh trục cung cấp nước ngọt cho kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (dẫn về nội địa tỉnh Hậu Giang).

- Tại trạm Nhơn Mỹ (Sóc Trăng) cách biển 40 km, tháng  2 nước ngọt vẫn  xuất  hiện lúc  triều thấp  (nhất là kỳ  triều kém); tháng  3, 4 nồng độ mặn  trên  4g/l xuất hiện  vào  lúc triều  cao, nguồn nước  ngọt giảm nhiều so với tháng 1, 2. Nhưng với trạm Ninh Thới (Trà Vinh) từ giữa tháng 2 trở đi mặn cao, gần như không xuất hiện nước ngọt.

Ranh mặn 4g/l của cả mùa khô còn có khả năng đến tới Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), Việc lấy nước ngọt từ Minh Thới đến An Phú Tân cần phải chú ý, nhất là trong những ngày triều cường của mùa khô. Độ mặn tháng 5 sẽ nhỏ hơn dự báo nếu như tháng này có mưa.

- Tại trạm Đại Ngãi (Sóc Trăng) cách biển 30 km, nửa đầu tháng 2 nước ngọt vẫn có lúc triều thấp nhưng từ  giữa tháng  2 trở đi, độ mặn cao, gần như  không xuất  hiện nước ngọt. Riêng trạm Tân Hóa - cống Cần Chông (Trà Vinh), từ  tháng  2 trở đi, độ mặn cao, mất hẳn khả năng lấy nước ngọt.

- Tại trạm Long Đức (Sóc Trăng) cách biển 20 km - tương đương với trạm An Thạnh 2 (Trà Vinh), nước ngọt không còn, nước mặn suốt mùa khô.

Ruộng dưa vàng của nông dân huyện Kế Sách cần được bảo đảm nguồn nước ngọt để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết.
Ruộng dưa vàng của nông dân huyện Kế Sách cần được bảo đảm nguồn nước ngọt để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết.

Nhận xét chung, trong mùa khô năm 2016 có khả năng nước mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài đến hết mùa khô, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, nhất là ở các vùng ven biển.

Dọc theo bờ Bắc sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh chỉ có đường liên xã, liên ấp, có nhiều sông rạch nhỏ đổ ra sông Hậu. Tính từ thượng lưu ra biển là các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải.

Ở huyện Cầu Kè, độ mặn đo được trong những ngày đầu tháng giêng tại các cống đầu mối có lúc đã vượt ngưỡng cho phép trữ nước phục vụ sản xuất nên các cống trên đã được đóng lại để ngăn mặn xâm nhập. Lúa đông xuân trong giai đoạn từ mạ non đến đẻ nhánh ở các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh và Ninh Thới thiếu nước nghiêm trọng. Dự báo từ nay đến tháng 4/2016, khả năng thiếu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Lãnh đạo huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo các ngành chức năng nắm chắc tình hình, đẩy nhanh tiến độ nạo vét các tuyến kênh cấp 2, khảo sát bổ sung các tuyến kênh đã xuống cấp để đưa vào kế hoạch nạo nét đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. UBND huyện đã đề nghị chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN huyện triển khai chính sách ưu đãi đầu tư cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp theo Quyết định 68 của Chính phủ với thủ tục gọn nhẹ, nhanh chóng, kịp thời, cụ thể là mua máy bơm nước.  

Đê ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn nước biển dâng dọc theo quốc lộ Nam Sông Hậu trên địa bàn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Đê ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn nước biển dâng dọc theo quốc lộ Nam Sông Hậu trên địa bàn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Huyện Trà Cú là một trong những huyện của tỉnh theo dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài. Huyện đang có kế hoạch vận hành các cống đầu mối theo hướng tích ngọt, hạn chế tiêu xổ, đóng khóa cửa cống đầu mối để ngăn mặn, trữ ngọt khi mặn xuất hiện; tiếp ngọt từ kênh 3 tháng 2 dẫn nước ngọt từ cống Cần Chông (huyện Tiểu Cần) về Trà Cú. Huyện yêu cầu các đơn vị cần có kế hoạch tổ chức lịch xuống giống phù hợp, khuyến khích nông dân áp dụng sạ hàng theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sạ các giống lúa chất lượng cao ngắn ngày, chủ động trong phòng chống hạn, rầy nâu và các sâu, bệnh gây hại khác...

Dọc theo bờ Nam sông Hậu là quốc lộ Nam Sông Hậu không chỉ phục vụ giao thông mà còn là một đê bao vững chắc chống lũ từ thượng nguồn sông Hậu tràn xuống đồng thời ngăn hiện tượng xâm nhập mặn vào nội địa tỉnh Sóc Trăng. Tính từ thượng lưu ra biển là các huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề. Có nhiều sông rạch và kênh nhánh đổ ra sông Hậu. Hầu hết đều có đập, cống ngăn mặn. Vấn đề là cần được điều tiết kịp thời, khi nào cho nước từ sông Hậu lưu thông vào nội địa, khi nào phải ngăn lại. Bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật cần thường xuyên theo dõi dự báo của cơ quan chuyên môn để điều tiết nước ngọt cho trồng trọt (lúa, mía, hoa màu các loại...) cũng như điều tiết nước mặn cho vùng nuôi tôm.

Bài & ảnh: Thanh Chí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO