Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ Pháp chế, Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Bộ và Văn Phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Báo cáo tại cuộc họp ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Năm 2023, Cục xác định tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Bám sát các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm ban hành các văn bản đã trình như Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, khảo sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển độ sâu từ 20m nước trở lên bằng tàu biển; Thông tư Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát và đánh giá rác thải nhựa đại dương.
Triển khai các đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ theo kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tập trung thực hiện kế hoạch, dự toán, quản lý tài chính và đầu tư; tăng cường công tác khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tăng cường công tác quản lý kế hoạch tài chính đối với đơn vị dự toán trực thuộc, đảm bảo quản lý chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch, dự toán theo tình hình thực tế. Tập trung chỉ đạo, bám sát tiến độ khối lượng thực hiện và giải ngân kinh phí đúng tiến độ.
Đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ: lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và lập Quy hoach tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; hoàn thành ban hành các quy chế, quy định nội bộ để đơn vị đi vào hoạt động ổn định theo Quyết định số 2988/QĐ-BTNMT ngày 04/11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quyết định Chức năng nhiệm vụ các đơn vị. Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị. Rà soát vận hành thông suốt hệ thống hồ sơ công việc.
Đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính: Giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển, xem xét chấp thuận các đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển phục vụ để phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án nhà máy điện gió…; Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh việc trả lời các văn bản đã quá hạn nhiều ngày. Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận câu hỏi của Công dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo ông Toàn trong quá trình thực thi pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, còn một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời nên việc triển khai chưa hiệu quả như: Việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển xuất hiện một số bất cập khi triển khai trên thực tế ở địa phương nên trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện ở cả cấp trung ương và địa phương còn lúng túng, hạn chế. Đặc biệt là giao khu vực biển phục vụ nghiên cứu và triển khai thực hiện điện gió ngoài khơi.
Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí được cấp cho việc triển khai các nhiệm vụ, dự án chuyên môn, nhiệm vụ đặc thù không đủ và dàn trải nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ; các dự án thi công trên biển, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, ảnh hưởng đến quá trình triển khai nhiệm vụ, dự án...
Trước các khó khăn, vướng mắc trên thời gian tới Cục Biển và Hải đảo Việt Nam mong tiếp tục được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bố trí kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ có liên quan về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên dùng, xây dựng trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc Cục. Bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đã được phê duyệt về điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, đảo.
Quan tâm, tạo điều kiện để Cục được bổ sung biên chế công chức, tuyển dụng bổ sung, kịp thời số lượng công chức, viên chức còn thiếu. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực biển và hải đảo. Sớm có đề xuất với các cấp về chế độ đặc thù đối với cán bộ làm công tác điều tra, khảo sát trên biển và hải đảo, công tác tại các trạm rada biển. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý tạo cơ chế chính sách thu hút ngành nghề phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trên biển.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong năm 2023 phải thể hiện tinh thần quyết tâm cao hơn nữa, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết một lòng, chủ động vượt khó khăn, tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ.
Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra. Cũng như tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Thứ trưởng cũng lưu ý lãnh đạo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần tập trung hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực biển và hải đảo…