Chống xói lở bờ biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhà nước và DN cùng làm

14/08/2016 00:00

  (TN&MT) – Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện tượng biển xâm thực đất liền diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở một số khu vực ven biển,...

 

(TN&MT) – Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện tượng biển xâm thực đất liền diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở một số khu vực ven biển, trải dài từ TP Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc. Để chống lại sự xâm thực này, ngoài một số công trình kè chắn sóng đã được Sở KH-CN đầu tư, một số doanh nghiệp (DN) du lịch cũng chủ động tìm những giải pháp bảo vệ bền vững tuyến bờ biển, phát triển du lịch.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, những khu vực xói lở nghiêm trọng và nước biển dâng cao ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đa phần gần cửa sông lớn, có sóng, gió mạnh, dòng chảy ven bờ phức tạp. Theo chu kỳ của tự nhiên, quá trình biển lấn đất liền bắt đầu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12 (âm lịch) hàng năm.

Công trình chống xói lở bờ biển của Công ty CP Rừng Dương phát huy tác dụng ngăn chặn sự sạt lở vùng bờ
Công trình chống xói lở bờ biển của Công ty CP Rừng Dương phát huy tác dụng ngăn chặn sự sạt lở vùng bờ

Khoảng 5 năm gần đây, tốc độ xâm thực diễn ra nhanh và mạnh hơn. Tại khu vực biển Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc), nhiều nơi sau khi sóng đánh đã bị xói lở làm cho bãi biển lồi lõm, có nơi xuất hiện những hố sâu đường kính hàng chục mét. Vì vậy, để bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhiều DN du lịch đã tự xây kè chắn sóng. Chẳng hạn, Khu du lịch biển Viễn Đông (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) dùng cừ tràm đóng xuống, đổ đá hai bên và dằn bê tông lên tạo thành dải hàng rào dài gần 250m chắn sóng. Gần Khu du lịch biển Viễn Đông, Khu du lịch Hương Phong cũng xây dựng phương án bảo vệ bãi biển bằng bức tường bê tông dày 1 mét, chạy dọc theo mép biển. Bãi tắm Thanh Thanh lại tận dụng những tấm tôn cứng đã qua sử dụng ghép lại tựa những lá chắn dọc theo khu bãi tắm để chống xói lở.

Ngoài khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Lộc An (huyện Đất Đỏ); Trại Nhái (TP Vũng Tàu) thì các khu vực ven biển như Cửa Lấp, Phước Tỉnh… cũng bị xói lở mạnh và tại các khu vực này đều có dự án du lịch đi qua. Khu biệt thự resort Rừng Dương (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nằm phía đầu nhánh sông cửa Lấp là một trong 6 điểm được Sở KH-CN xác định là có mức độ sạt lở cao trong tỉnh. Toàn bộ khu biệt thự resort Rừng Dương có diện tích 10ha, với 609m đường bờ biển.

Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Rừng Dương cho biết, năm 2008 xây dựng khu biệt thự Resort Rừng Dương, thì biển đã xâm thực vào đất dự án của công ty khoảng 31m chiều ngang và 213m chiều dọc, tổng diện tích đất bị nước biển cuốn trôi khoảng 7.000m2. Trước thực trạng này, năm 2008, để triển khai dự án, Công ty CP Rừng Dương đã xin UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép DN tự bỏ vốn đầu tư thi công lắp đặt bờ kè biển chắn sóng. Năm 2008, công ty làm kè bằng bao cát nhưng vẫn bị sóng biển đánh sập. Đến năm 2015, DN đầu tư khoảng 40 tỷ đồng xây dựng kè chắn sóng dài khoảng 200m sử dụng công nghệ mềm Stabiplage (của Pháp) được gia cố bởi cọc cừ Polyme. Từ khi sử dụng công nghệ này, Sở KH-CN đã xác nhận, khu vực bờ biển nằm ở vùng dự án khu biệt thự Rừng Dương hiện tượng xói lở bờ biển đã giảm hẳn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Biên (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu”, hiện có 4 công trình bảo vệ bờ biển đã được xây dựng tại Bà Rịa – Vũng Tàu gồm: Đê Phước Tỉnh giai đoạn 1 dài 1.625m, đưa vào sử dụng từ năm 2004; kè bảo vệ bằng công nghệ “mềm” Stabiplage dài 1,5km tại bờ biển Lộc An; công trình gia cố chống sạt lở bờ biển tại vòng cung mũi Ba Kiềm bằng đá hộc vào năm 2009, và khu neo đậu tránh trú bão tại cửa Bến Lội (huyện Xuyên Mộc) khánh thành vào năm 2011.

Khi tiến hành đánh giá tác động môi trường của 4 công trình trên, công nghệ “mềm” Stabiplage có ưu thế vượt trội, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của địa phương. Công trình đã phát huy tác dụng tốt trong bảo vệ, hạn chế xói lở đường bờ, đồng thời phục hồi lại bãi cát ra phía biển một cách tự nhiên với trung bình khoảng 25-30m/năm, có nơi từ 60-70m/năm. Dải đồi cát được bồi tụ mạnh, chiều cao đồi cát có nơi hơn 6m. Ước tính tổng lượng cát được bảo vệ ổn định mỗi năm khoảng 42.000m3 với lượng cát tích tụ tự nhiên 145.000-150.000m3. Tuy nhiên, hiện nay một số đoạn của công trình Stabiplage đã bị hư hỏng nhưng công tác bảo hành, bảo trì gặp khó khăn do số lượng vật tư sửa chữa dự phòng do Công ty Espace Pur (Pháp), đơn vị thi công công trình cung cấp đã sử dụng hết, không có vật tư thay mới.

Theo Sở KH-CN, trong khi ngân sách của tỉnh còn chưa đủ kinh phí để đầu tư kè chắn sóng và gặp một số khó khăn như trên đã nêu thì việc các DN được chấp thuận đầu tư xây dựng kè chắn sóng là một hình thức xã hội hóa trong việc chống lại với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, có nhiều DN đã chấp nhận đầu tư hàng chục tỷ đồng để chọn công nghệ hiện đại để áp dụng. “Đó là cách bảo vệ môi trường bền vững cho phát triển du lịch tại địa phương. Song song đó, tùy thuộc vào địa hình, dòng chảy, chế độ thủy động lực, quá trình bồi xói, tính chất sử dụng, nguồn vốn… mà các DN và Sở KH-CN nên áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp ở từng khu vực nhằm phát huy hiệu quả bảo vệ vùng bờ biển lâu dài”, PSG.TS Nguyễn Thế Biên nhấn mạnh.

Bài & ảnh: Thục Vy – Như Mây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống xói lở bờ biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhà nước và DN cùng làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO