Từ năm 1950 đến nay thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỷ tấn nhựa plastic và phần lớn chúng vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta. Một nghiên cứu mới đây theo dõi tình hình sản xuất và phân phối nhựa trên toàn thế giới, đã phát hiện ra rằng, chỉ có 2 tỷ tấn nhựa plastic đang được con người sử dụng. 7 tấn nhựa còn lại đang tồn tại xung quanh chúng ta là rác thải trong các bãi chôn lấp rác. Dưới dạng rác tái chế, hay thậm chí, còn là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất đai và biển cả. Một lượng nhỏ rác thải nhựa được thiêu hủy trong các lò thiêu.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, trong khi số rác thải kể trên chất thành núi lớn mà không phân hủy được, con người vẫn cứ tiếp tục sản xuất thêm nhiều nhựa hơn nữa. Theo số liệu thống kê trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phân nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc. Cá, chim và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn và con người là... "bến đỗ" cuối cùng trong chuyến hành trình của các hạt vi nhựa.
Theo báo cáo của đại học Victoria, tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi, mỗi năm mỗi người đưa vào cơ thể 39.000 tới 52.000 hạt vi nhựa. Nếu tính cả các phân tử nhựa trong không khí, con số này có thể từ 74.000 - 121.000 hạt.
Với những gì con người đang ứng xử tiêu cực với môi trường sống, chúng ta đang mắc nợ sinh thái. Và hôm nay, nếu chúng không được trả ngay sẽ tích tụ lại trở thành gánh nặng lớn đẩy thế hệ tương lai vào một cuộc “khủng hoảng sinh thái”, một cụm từ đã được các chuyên gia môi trường nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.