Chống ngập đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long: Không thể luẩn quẩn với chuyện đê bao

23/10/2018 10:26

Các đô thị hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng. Ở đó, vấn đề sản xuất vụ 3 một lần nữa đặt ra những bức xúc, đòi hỏi các địa phương phải ngồi lại để tính toán “không gian” vốn dành cho nước…

Bó tay với ngập!

Những ngày qua, hàng loạt tuyến đường nội ô TP.Cần Thơ rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng. Có thời điểm, nước triều đo được là 2,21m tại trạm sông Hậu, vượt báo động 3 tới 0,31m. Đây được xem là mức triều kỷ lục từ trước đến giờ, và dự báo đỉnh triều có thể lên tới 2,20 - 2,25m (cao hơn báo động 3 tới 0,30 - 0,35m). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có thể đạt cấp độ 3.

Các vùng lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng… cũng bị ngập nghiêm trọng từ nội ô ra tới quốc lộ, không chỉ ngập sâu trong từng con hẻm, nước còn nhấn chìm nhiều đoạn trên tuyến huyết mạch quốc lộ 1A (Cần Thơ - Vĩnh Long; Hậu Giang - Sóc Trăng;...) gây ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại và làm đảo lộn cuộc sống của hàng vạn người dân.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, các trận ngập đã làm các công trình thủy lợi bị tràn 134 tuyến bờ bao với chiều dài hơn 93.000m. Có 54 đập bị tràn với chiều dài 837m và 23 đập bị vỡ với chiều dài 151m. Hơn 650ha vườn cây ăn trái bị ngập, hơn 41ha rau màu các loại chìm trong nước và 45ha ao cá bị ngập tràn…, ước tính thiệt hại gần 3,4 tỉ đồng.

chống ngập vùng ĐBSCL
Hình ảnh ngập nghiêm trọng tại Cần Thơ trong đợt triều cường vừa qua. Ảnh: P.V

Còn tại Cần Thơ, từ đầu mùa lũ đến nay, có 113m đê bao bị thiệt hại, khiến 37ha lúa Thu Đông bị ngập làm giảm năng suất, trên 91ha rau màu bị ngập úng; 8,5 tấn thủy sản thoát ra sông, rạch do nước lũ kết hợp triều cường dâng cao tràn vào các ao nuôi cá…

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - gọi trận ngập lần này là “đỉnh triều lịch sử” và cho biết, từ trước đến nay, mức triều tại Cần Thơ chỉ ở mức 2,15m, giờ đã lên đến 2,25m. Trước các trận ngập trên, thành phố cũng đành… bó tay vì chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập.

Phải đợi đến năm 2021, khi “Dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là Dự án 3)” hoàn thành, thì vấn đề ngập của Cần Thơ mới được giải quyết. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng.

Dự án gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu… Hiện dự án đang được triển khai với nhiều hạng mục như: Kè, cống, đê bao…

Luẩn quẩn với chuyện đê bao

Nguyên nhân hàng đầu của việc ngập tại các đô thị được xác định, do nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về gặp thủy triều phía biển dâng cao làm tăng mực nước ở vùng hạ nguồn ĐBSCL từ Hậu Giang qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Nghiêm trọng hơn, suốt thời gian qua, tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức đã gây ra tình trạng sụt lún trầm trọng ở vùng ĐBSCL.

Theo nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan), trong 25 năm (1991-2016), ĐBSCL đã bị sụt lún 18cm. Đây chỉ là mức bình quân, và cá biệt có những nơi đã lún trên 30cm như Sóc Trăng, Tân An (Long An).

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL - cho biết: Hiện nay ở vùng giữa như: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang đê bao khép kín hiện diện khắp nơi. Hầu hết các sông ngòi ở vùng này, kể cả những sông rạch nhỏ đều có hai con lộ hai bên bờ sông như hai con đê ngăn nước. Nước chảy trong sông ngòi kênh rạch vùng này như chảy trong những chiếc “máng xối” và dâng cao trong lòng sông rạch. Khối nước khổng lồ không phân chia được vào ruộng vườn thì sẽ phải tìm nơi khác, như thành phố và lộ giao thông mà ngập.

Ông Thiện cho biết thêm, trong khoảng thời gian từ năm 2000-2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị giảm đến khoảng 4,7 tỉ mét khối do việc xây dựng đê bao khép kín ở vùng này với diện tích hơn 1.000km2. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài nước ngập 3-4 mét. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và các làng mạc, thành phố phía bên dưới, và thoát ra biển nhanh hơn.

Ông Trần Hoàng Tựu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết thêm: Toàn tỉnh có gần 2.000km đê bao, trong đợt triều cường vừa qua đã có nhiều tuyến đê với chiều dài khoảng 50km bị nước tràn hoặc vỡ đê, và hơn 100 điểm sạt lở phải xử lý… Sau sự việc lần này, tỉnh sẽ xem xét, bố trí lại vấn đề sản xuất vụ 3 để làm sao đưa nước vào nội đồng.

Đây là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi các tỉnh lân cận phải ngồi lại tính toán xem vùng nào phải trữ nước lại trong mùa lũ. Bởi thực tiễn cho thấy, năm nay lũ không cao, nhưng nơi nào cũng làm đê bao bảo vệ sản xuất, nước bị dội bên ngoài không vào được nội đồng và gây ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống ngập đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long: Không thể luẩn quẩn với chuyện đê bao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO