Chồng lấn QSDĐ trong rừng đặc dụng: Công tác bảo tồn gặp khó!

30/06/2015 00:00

(TN&MT) - Dù chưa dẫn đến những xung đột gay gắt nhưng hiện tượng chồng lấn quyền sử dụng đất rừng đặc dụng (RĐD) được xem là một thách thức lớn đang cản trở việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

Gần nửa số rừng chồng lấn  với đất cư dân

Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) chỉ ra rằng, hiện tượng chồng lấn quyền sử dụng đất - tức cùng một khu đất nhưng có đến hai chủ thể quản lý - không phải là cá biệt, mà xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều vùng trên toàn quốc. Tình trạng chồng lấn xảy ra phổ biến hơn ở các khu RĐD thuộc các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ với 61,7%, và giảm dần ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (30%) và Nam Bộ (8%).

Quy mô chồng lấn có nhiều khác biệt giữa các khu RĐD, từ quy mô nhỏ liên quan đến 2 - 3 hộ gia đình với diện tích tranh chấp 1,5 - 2 ha (như VQG Bạch Mã, Thừa Thiên Huế), đến quy mô lớn liên quan đến 1.045 hộ gia đình trên diện tích gần 10.000 ha (như Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Hòa Bình). Bên cạnh đó, số liệu về quy mô, diện tích chồng lấn vẫn mang nhiều tính ước đoán vì chưa có hoạt động điều tra, khảo sát trên thực địa tại các địa phương.

Tuy nhiên, đáng chú ý là 91,5% các khu RĐD có tình trạng chồng lấn hiện vẫn chưa có phương án hoặc kế hoạch giải quyết cụ thể, chỉ có một số ít các khu (các vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Tiên, Bái Tử Long và Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh) đã và đang nỗ lực giải quyết, nhưng kết quả vẫn còn rất nhiều hạn chế hoặc không thể giải quyết triệt để.

Sự không rõ ràng về quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tin giữa ban quản lý rừng và người dân địa phương
Sự không rõ ràng về quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tin giữa ban quản lý rừng và người dân địa phương

Dù chưa dẫn đến những xung đột gay gắt như các trường hợp tranh chấp đất rừng khác nhưng hiện tượng chồng lấn lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và thậm chí là rất khó giải quyết trong điều kiện hiện tại. Sự không rõ ràng về quyền sử dụng đã ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ, lòng tin giữa BQL các khu RĐD và người dân địa phương; từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của các mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH; cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương do hạn chế các quyền và cơ hội tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ tài nguyên rừng và đất rừng.

Công tác bảo tồn: Gặp khó!

Từ đầu những năm 2000, thẩm quyền và trách nhiệm quy hoạch, phê duyệt thành lập, điều chỉnh và chuyển mục đích sử dụng đất các khu RĐD được giao cho UBND các tỉnh. Kết quả của quá trình phân cấp và trao quyền này là rất nhiều khu RĐD đã được thành lập và nâng cấp trong giai đoạn 2001-2005 thông qua các chương trình, dự án do nhà nước cấp vốn và địa phương thực hiện.

Các cơ quan tham gia thực hiện, nhất là tư vấn quy hoạch, đã phải chịu áp lực “bắt buộc” phải thành lập được các khu RĐD cho tỉnh nên khi rà soát, quy hoạch,vấn đề chồng lấn với đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình đã bị bỏ qua hoặc diễn giải “giảm nhẹ” trong nội dung báo cáo luận chứng kinh tế kỹ thuật, để thuận lợi hơn khi thẩm định. Điều này đã để lại hậu quả là có tới 14 VQG trên tổng số 24 VQG thuộc tỉnh hiện nay đang phải đối mặt với hiện tượng chồng lấn.

Ở nhiều trường hợp khác, khi chính quyền địa phương nêu thắc mắc về giải quyết chồng lấn và đền bù cho dân, nhóm tư vấn hoặc cơ quan thẩm định thường cố thuyết phục bằng viễn cảnh nhà nước sẽ có dự án đầu tư hỗ trợ cộng đồng cải thiện sinh kế khi thành lập các khu RĐD. Trên thực tế mong muốn này hầu như chưa được đáp ứng tại đa số khu RĐD, và dẫn tới hệ lụy là tình trạng mất niềm tin và bất hợp tác về QLBVR giữa Nhà nước với cộng đồng địa phương.

Bên cạnh các mâu thuẫn, hệ lụy trực tiếp, tình trạng chồng lấn còn dẫn tới những khó khăn,thậm chí là các mâu thuẫn khi các chính sách, sáng kiến mới được áp dụng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bắt đầu được áp dụng toàn quốc từ năm 2011. Theo nguyên tắc của chính sách này, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng sẽ được “…chi trả cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng”. Tuy nhiên, đối với các diện tích bị chồng lấn, sẽ rất khó để có thể xác định được rõ ràng ai sẽ là người thụ hưởng các chi trả này, cũng như khả năng thiết lập một cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên.

Tương tự như chính sách chi trả DVMTR, sáng kiếm giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), hiện đang được áp dụng thí điểm tại một số tỉnh tại Việt Nam từ năm 2009, cũng được xây dựng dựa trên cơ chế chi trả cho các hàng hóa “carbon” được sản xuất thông qua hoạt động quản lý, bảo vệ và tăng khả năng hấp thụ carbon rừng.

Tuy nhiên, khác với chính sách chi trả DVMTR, REDD+ mở rộng hơn, mang tầm quốc tế với những quy định nghiêm ngặt và đòi hỏi rõ ràng về quyền sử dụng đối hàng hóa carbon. Chính vì vậy, nếu vấn đề về chồng lấn không được giải quyết, sẽ là bất khả thi khi xác định chủ sở hữu hàng hóa carbon, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận thị trường và hưởng lợi từ carbon rừng của người dân địa phương trong tương lai.

Phương Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chồng lấn QSDĐ trong rừng đặc dụng: Công tác bảo tồn gặp khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO