Chống lại BĐKH thành công khi có sự tham gia của các quốc gia

25/09/2014 00:00

(TN&MT) - Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với...

   
(TN&MT) - Ngày 23/9, Hội nghị thượng đỉnh LHQ về Biến đổi khí hậu đã khai mạc tại TP New York (Mỹ) dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Hơn 120 nguyên thủ quốc gia cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và xã hội dân sự tham dự hội nghị.
   
  Hội nghị lần này nhằm kêu gọi nguồn lực và hành động để giảm khí thải nhà kính, củng cố khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tập hợp ý chí chính trị cho mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
   
Việt Nam luôn ưu tiên hoạt động đối phó và thích ứng với BĐKH
   
  Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ hướng tới một nỗ lực toàn cầu chống lại nguy cơ chung. Ông nêu rõ, là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, Việt Nam luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; đã đề ra các định hướng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt đã đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm.
   
  Phó Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam đang nghiên cứu có đóng góp quốc gia tự nguyện, trong đó xác định rõ các đóng góp cụ thể về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và các đối tác nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Pa-ri năm 2015.
   
Toàn cảnh Hội nghị
   
  Phó Thủ tướng cho rằng, Thỏa thuận toàn cầu mới này cần phải thể hiện đúng các nguyên tắc của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, trong đó có nguyên tắc bình đẳng, trách nhiệm chung, nhưng có phân biệt, theo đó tất cả các bên cần có đóng góp chung vào mục tiêu toàn cầu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở năng lực và hoàn cảnh quốc gia, tính đến nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển, trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển, tính đến khác biệt tỷ trọng phát thải của các ngành như giao thông thủy, hàng không, đường bộ, sử dụng năng lượng hóa thạch… của từng quốc gia.
   
  Thỏa thuận toàn cầu mới cần phải bao trùm mọi lĩnh vực từ thích ứng đến giảm nhẹ, kể cả cơ chế tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và phương thức thực hiện. Thỏa thuận mới cũng cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch về thông tin liên quan đến đóng góp của quốc gia về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực, bên cạnh đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và cần có hệ thống giám sát, kiểm tra đánh giá các đóng góp này.
   
  Cùng với tiếng nói của nhiều quốc gia đang phát triển khác, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi các nước phát triển đẩy mạnh cam kết cũng như hành động nhằm giảm lượng khí thải nhà kính; cung cấp tài chính và công nghệ để các nước đang phát triển giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, mà trong đó “tài chính đóng một vai trò quan trọng”.
   
Trọng trách của những nền kinh tế lớn
   
  Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một loạt các chính sách mới về môi trường, trong đó đáng chú ý nhất là lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang phải đưa yếu tố bền vững về môi trường vào kế hoạch cho tất cả các chương trình phát triển quốc tế trong thời gian tới.
   
  “Chúng tôi sẽ thực hiện phần việc của mình và giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện phần việc của họ”, ông Obama nói. “Nhưng chúng ta chỉ có thể thành công trong việc chống lại BĐKH nếu có sự tham gia của tất cả các quốc gia, phát triển hay đang phát triển. Không ai được đứng ngoài cuộc”.
   
Trái đất đang ngày một nóng dần lên        Ảnh minh họa
   
  Ông Obama nói thêm rằng, ông đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và tái khẳng định niềm tin của mình rằng, tới tư cách 2 nền kinh tế lớn nhất cũng như phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc có trọng trách dẫn đầu.
   
  Trước ông Obama, ông Trương Cao Lệ cũng có bài phát biểu tại hội nghị và đề cập cam kết của nước này đối với vấn đề BĐKH, nhưng thực tế là ông không đưa ra biện pháp, hướng đi hay cam kết cụ thể nào, ngoài việc công bố sẽ tăng khoản đóng góp không đáng kể cho LHQ để “tăng cường hợp tác Nam – Nam về BĐKH”.
   
  Phát biểu tại phiên họp về tài chính trong khuôn khổ hội nghị, ông Ban Ki-moon bày tỏ sự hài lòng rằng tại hội nghị này, hàng tỉ USD đã được cam kết dành cho việc mở Quỹ Khí hậu Xanh, trong đó Pháp và Đức mỗi nước cam kết 1 tỉ USD, Hàn Quốc 100 triệu USD và Mexico 10 triệu USD.
   
  Ngoài ra, hội nghị cũng chứng kiến nhiều cam kết tài chính đáng chú ý khác, như Liên minh Châu Âu cam kết 3 tỉ USD giúp các nước đang phát triển giảm tác hại của BĐKH từ nay tới 2020; liên minh các chính phủ, các tổ chức tài chính, xã hội và doanh nghiệp công bố kế hoạch huy động 200 tỉ USD cho các hoạt động phát triển thân thiện với môi trường…
   
Tổ chức Dự án Carbon toàn cầu công bố báo cáo cho biết lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng lên mức kỷ lục hơn 36 tỉ tấn trong năm 2013. Ba nước dẫn đầu là Trung Quốc (10 tỉ tấn), Mỹ (5,2 tỉ tấn) và Ấn Độ (2,4 tỉ tấn). Báo cáo dự báo khí thải CO2 toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2014 lên mức hơn 40 tỉ tấn.
    
   
Trao đổi với phóng viên báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, thành viên đoàn Việt Nam, cho rằng hội nghị lần này là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện những cam kết cũng như kế hoạch nghiêm túc trong việc thúc đẩy phát triển bền vững chống lại BĐKH, không chỉ trước chính giới mà còn trước các tổ chức tài chính, doanh nghiệp quốc tế. Từ đó, hội nghị sẽ mở ra khả năng thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng.
    
Phạm Thu Hà(Tổng hợp)
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lại BĐKH thành công khi có sự tham gia của các quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO