Chống khô hạn tại miền Trung - Tây Nguyên: Cần giải pháp căn cơ

24/04/2015 00:00

Biến đổi khí hậu ngày càng có tác động và ảnh hưởng đến nhiều vùng ở nước ta, rõ rệt nhất là tình trạng khô hạn ở miền Trung Nam bộ. Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp chống hạn nhưng về lâu dài cần tính đến giải pháp căn cơ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến giữa tháng 4/2015, dung tích trữ của hầu hết các hồ chứa thủy lợi ở Ninh Thuận chỉ đạt dưới 20% dung tích thiết kế, các hồ ở Khánh Hòa, Bình Thuận đạt trung bình khoảng 30- 40% dung tích thiết kế. Còn các hồ nước thủy điện ở miền Trung như Đa Nhim, Đại Ninh... lưu lượng nước về đều dưới mức bình thường hàng năm.Đi dọc nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa.., dễ dàng bắt gặp cảnh sông hồ cạn nước trơ cả đất đá, đồng ruộng khô nứt nẻ; còn các cánh rừng, nương rẫy trở nên xác xơ dưới nắng.

Việc thiếu nước không chỉ gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân mà còn tác động lớn đến hoạt động sản xuất công nông nghiệp, chăn nuôi... trên địa bàn. Thậm chí đã xảy ra một vài trường hợp tranh chấp nguồn nước như trường hợp tranh chấp giữa Nhà máy đường Khánh Hòa với người dân một số xã huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu dài cần giải pháp dài hạn hơn. Theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng, cần tìm đúng nguyên nhân để “trị bệnh” chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi cho “trời”. Nguyên nhân cơ bản phải kể đến là hệ thống thủy lợi ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên vừa yếu vừa thiếu, nhiều hồ đang bị xuống cấp nghiêm trọng; tình trạng chặt phá rừng, lấy đi lớp phủ thực vật để trồng cây công nghiệp diễn ra trong nhiều năm; thiếu kinh phí đầu tư hệ thống hồ chứa; quản lý nguồn nước tưới cho sản xuất ở địa phương còn nhiều bất cập, lãng phí... Do đó, cần sớm khắc phục những tồn tại này, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài nguyên, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong tưới tiêu; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm cần đầu tư thêm hồ chứa đủ nhiều và đủ lớn cùng với hệ thống thủy lợi kênh mương, trạm bơm hiện đại để tận dụng nguồn nước từ các thủy điện, song ông Trương Văn Thưởng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, Bình Thuận - cho rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn quá lớn trong khi đó địa phương rất khó khăn.

Bên cạnh việc tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nên chăng nhà nước cần xây dựng quỹ đầu tư phát triển thủy lợi; nghiên cứu cơ chế để xã hội hóa việc xây dựng các hồ thủy lợi để giảm bớt áp lực cho ngân sách.

Theo Báo Công thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống khô hạn tại miền Trung - Tây Nguyên: Cần giải pháp căn cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO