Chông chênh bảo tồn đa dạng sinh học

01/09/2016 00:00

(TN&MT) - Việt Nam là giao điểm của các hệ động, thực vật thuộc vùng Ấn Độ - Miến Điện, Nam Trung Quốc và Inđônêxia - Malayxia. Ưu thế này đã giúp Việt Nam trở một trong 16 khu vực có tính đa dạng sinh học cao của thế giới. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng suy giảm trầm trọng các hệ sinh thái giàu ÐDSH…

Suy giảm đa dạng sinh học

Tại Hội thảo “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng” vừa mới diễn ra, lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã khẳng định: Mặc dù, có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ĐDSH nhưng tài nguyên ĐDSH của Việt Nam vẫn trên đà suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế.

Thống kê của Cục Bảo tồn ÐDSH (Tổng cục Môi trường), có tới 882 loài (được ghi trong Sách Ðỏ) đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ; 9 loài động vật (tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà) và hai loài lan hài được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên...

Việt Nam trở một trong 16 khu vực có tính đa dạng sinh học cao của thế giới. Ảnh: MH
Việt Nam trở một trong 16 khu vực có tính đa dạng sinh học cao của thế giới. Ảnh: MH

Một số loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: Sao la, voọc Mũi hếch, Voọc Cát Bà, cá nóc, bò biển… Mức độ đa dạng sinh học của hệ cây trồng cũng giảm mạnh. Trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn đã giảm 80%, khoảng 96% các rặng san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng, các giống loài động vật và thực vật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các loài ngoại lai “xâm nhập” môi trường gây ra những hậu quả xấu đối với đa dạng sinh học.

Đã có khung pháp lý về đa dạng sinh học

Nhiều luật liên quan bảo vệ đa dạng sinh học cũng được ra đời như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản; Luật Tài nguyên nước và quan trọng nhất cho sự nghiệp bảo tồn ĐDSH là Luật Đa dạng sinh học (trên thế giới không nhiều quốc gia có Luật Đa dạng sinh học). Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH. Trên cơ sở này, đã có 10 Nghị định của Chính phủ, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 Thông tư của Bộ trưởng đã được ban hành, thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch, cơ chế về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH Việt Nam.

Những văn bản Luật này đã tạo hành lang pháp lý quản lý tổng thể và toàn diện các vấn đề về ĐDSH, quy định cụ thể quản lý đối với loài, hệ sinh thái, nguồn gen; làm cơ sở cho việc ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển ĐDSH của các địa phương và định hướng phát triển các khu bảo tồn ở địa phương.

Bảo tồn vẫn gặp khó

Khung pháp lý đã có nhưng việc thực thi pháp luật về ĐDSH lại khó khăn do sự chồng chéo giữa các văn bản luật. Có nhiều văn bản cũng quy định về một vấn đề trong quản lý bảo tồn ĐDSH.

Bảo tồn đa dạng sinh học đang gặp khó do có sự chia tách trong hướng dẫn thực thi giữa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và Luật ĐDSH khi quy định cùng vấn đề về bảo tồn ĐDSH;  thiếu sự phối hợp và đồng thuận trong phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ĐDSH.

Ngoài ra, tài chính cho bảo tồn ĐDSH còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý Nhà nước về ĐDSH. Hiện tại, kinh phí cho bảo tồn ĐDSH được lấy chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (khoảng 1% NSNN). Trên thực tế, nguồn lực tài chính đầu tư cho ĐDSH không đủ để triển khai các hoạt động bảo tồn ĐDSH như: Điều tra cơ bản về ĐDSH, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; quan trắc, thống kê ĐDSH; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng, nâng cấp, cải tạo khu bảo tồn… Tài chính hạn hẹp, khiến hoạt động của các khu bảo tồn chưa phát huy hiệu quả. Hiện nay, ngân sách Nhà nước (NSNN) là nguồn đầu tư chủ yếu và ổn định cho các KBT nhưng nguồn kinh phí này chủ yếu tập trung cho công tác BV&PTR, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hơn nữa, nguồn kinh phí này chưa được cấp thường xuyên. Việc bảo tồn ĐDSH tại các KBT cơ bản chưa được thực hiện, hoặc nếu có, chỉ giới hạn trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế hoặc các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh những vướng mắc về pháp lý, tài chính, những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… cũng khiến cho việc bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều trở ngại.

Thật khó có thể bảo tồn khi ô nhiễm ngày càng trầm trọng làm hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã gây gây chết hoặc làm giảm số lượng các cá thể… Mới đây, sự cố xả thải do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã khiến 50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã bị phá hủy (trên tổng số gần 800 ha), nhiều loài cá có giá trị kinh tế đã không còn thấy ở vùng biển này.

Sự suy giảm nhanh và biến mất của nhiều loài động thực vật khiến cho công tác bảo tồn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có những động thái quyết liệt, biện pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn trên, nên công tác bảo tồn vẫn ở thế chông chênh.

 

Việt Nam có 6 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ghi nhận. Đó là: Vùng sinh thái Rừng ẩm trên dãy Trường Sơn; Rừng khô Đông Dương; Vùng hạ lưu sông Mekong; Rừng ẩm á nhiệt đới Bắc Đông Dương; Rừng ẩm Đông Nam Trung Quốc-Hải Nam; và  Sông, suối Tây Giang (sông Bằng - Kỳ Cùng). Một số lượng đáng kể các  khu bảo tồn của Việt Nam đã được thế giới  hoặc khu vực công nhận, bao gồm: 4 khu Ramsar, 8 khu Dự trữ sinh quyển, 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới và 4 khu Di sản ASEAN.

 

Mai Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông chênh bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO