Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cần cụ thể hơn

16/05/2014 00:00

(TN&MT) - Hội thảo về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” vừa được tổ chức sáng 16/5 tại Hà Nội.

(TN&MT) - Ngày 16/5/2014, Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã tới dự và phát biểu ý kiến.
   
  Kể từ khi các chính sách, pháp luật chuyên biệt về biến đổi khí hậu được ban hành, khởi đầu là Nghị quyết số 60 của Chính phủ (năm 2007), theo đó là sự ra đời của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (năm 2008), có một dấu mốc vô cùng quan trọng. Từ đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Chính phủ Việt Nam đối với sự chung tay ứng phó với BĐKH toàn cầu, thông qua đó sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính, của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam tăng lên đáng kể.
   
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo
    
  Một số chương trình hợp tác quốc tế tiêu biểu như: Chương trình “Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH”; Chương trình “SP – RCC” do Jica, Nhật Bản và AFD, Pháp khởi xướng năm 2009. Đến nay đã có thêm WB, Canada, Úc, Hàn Quốc tham gia.
   
  Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã huy động được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ và danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
   
  Hiện nay, một số dự án ở các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh ven biển miền Trung đã bước đầu được bố trí vốn để triển khai thực hiện.
   
  Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực, chủ động của các Bộ, ngành, địa phương cũng đã đem lại những kết quả đáng kể. Đặc biệt là năng lực ứng phó với BĐKH đã có những bước tiến đáng kể. Một số kết quả chính đạt được như: Nhận thức về BĐKH của các ngành, các cấp, tổ chức và người dân đã có bước chuyển biến tích cực; Thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức về BĐKH bước đầu được thiết lập; Nhiều hoat động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện; Vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng cao và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dược tăng cường.
   
Quang cảnh Hội thảo
   
  Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay có hơn 300 văn bản khác nhau về ứng phó với BĐKH, điều này chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là rất cao, các chủ trương đưa ra rất đồng bộ, tuy nhiên vẫn chưa cụ thể, mới chỉ dừng lại ở mức định hướng. Bên cạnh đó, các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; các quy định về thích ứng chủ yếu nặng về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố BĐKH….
   
  Thay mặt Cục KTTV&BĐKH, ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng đề xuất cần luật hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH bởi hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương trong các chiến lược, kế hoạch mà chưa có quy định cụ thể. Đồng thời, cần đặt ra cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bộ, ban, ngành do BĐKH là vấn đề liên ngành, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành ở trung ương và các địa phương.
   
Tin & ảnh: Phạm Thu Hà
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cần cụ thể hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO