Chính sách, pháp luật các nước về kinh tế biển: 10 bước phát triển kinh tế biển bền vững

30/07/2017 00:00

Biển bao phủ 70% bề mặt Trái Đất, là nguồn tài nguyên quý giá, còn kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngày nay, các nước không chỉ coi khai thác biển như một phần của chiến lược quốc gia, mà còn hướng tới phát triển biển bền vững, nhằm khai thác những lợi ích mà biển mang lại, trong khi vẫn bảo tồn môi trường và hệ sinh thái biển.

Kinh tế biển gồm những lĩnh vực nào?

Theo Tổ chức Hợp tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), kinh tế biển về cơ bản gồm: Thương mại theo đường biển; hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển; vận tải biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; khai thác đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu thực phẩm trong nước và chế biến xuất khẩu; khai thác dầu khí và khí đốt trong thềm lục địa để bảo đảm an ninh năng lượng và cho xuất khẩu; du lịch biển và dịch vụ nghỉ dưỡng cùng các hoạt động phụ trợ như hậu cần, giao nhận vận tải, bảo hiểm, đánh giá kiểm định chất lượng tàu biển, tiếp nhiên liệu tại cảng, đào tạo đội ngũ thủy thủ, ngân hàng…

Trong đó, thương  mại  theo  đường  biển là hoạt  động  trao đổi buôn  bán  hàng  hóa  vận  chuyển  bằng đường biển giữa các quốc gia trong cùng khu vực hoặc giữa các châu lục;  giúp  thúc  đẩy đầu  tư  sản  xuất  và  phát  triển  dịch  vụ của  các  quốc  gia  thông  qua  thực hiện giá trị hàng hóa trong trao đổi.

Hệ  thống  khu  kinh  tế,  khu công nghiệp và các cảng biển đóng vai trò  quan  trọng  trong  việc  cung  cấp  hạ tầng  cơ  sở  vật  chất,  kỹ  thuật  thúc  đẩy hoạt  động  kinh  tế  biển  như  đóng tàu;  cung  ứng  phương  tiện  vật  tư,  kỹ thuật  phục  vụ  cho  khai  thác, đánh  bắt hải  sản;  phục  vụ  khai  khác  tiềm  năng du  lịch,  vận  tải  biển;  và  là  nơi  trung chuyển,  chế  biến  các  sản  phẩm  được khai thác từ biển.

Khai thác hướng tới phát triển bền vững

Có nhiều con đường nhằm hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, phụ thuộc vào các ưu tiên và mục tiêu của từng quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, có 10 bước chung mà World Bank khuyến khích tất cả các quốc gia áp dụng.

Thứ nhất, đánh giá chính xác giá trị đóng góp của biển cho phúc lợi, nhằm đưa ra những quyết định chính sách đúng đắn, bao gồm cả những quyết định liên quan đến việc phải đánh đổi trong số các ngành khác nhau của kinh tế biển.

Thứ hai, đầu tư và sử dụng khoa học, dữ liệu và công nghệ tốt nhất có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ cải cách quản trị và định hình các quyết định quản lý để mang lại thay đổi dài hạn.

Thứ ba, đánh giá tầm quan trọng của từng ngành trong kinh tế biển và quyết định những ngành cần được ưu tiên, dựa trên các ưu tiên và đặc điểm tình hình của từng ngành.

Thứ tư, dự đoán và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu là một phần quan trọng trong các tiếp cận kinh tế biển. Ở khía cạnh này, đầu tư quốc gia cần được hoàn thiện bởi hợp tác khu vực và hợp tác toàn cầu, xoay quanh các ưu tiên và mục tiêu chung.

Thứ năm, bảo đảm “sức khỏe” biển cần các khoản đầu tư mới và công cụ tài chính có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ sáu, thực thi hiệu quả Công ước Liên Hợp  Quốc về Luật Biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững. Công ước này đặt ra khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện, bao gồm cả bảo tồn và sử dụng bền vững biển cũng như các nguồn lực từ biển. Việc thực thi hiệu qủa Công ước và các thỏa thuận liên quan rất quan trọng nhằm tạo khung khổ pháp lý và thể chế mạnh mẽ, bao gồm cả đầu tư và đổi mới kinh doanh. Những khuôn khổ này sẽ giúp đạt được các cam kết Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (SDG) và Sáng kiến Đối tác Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt là sự đa dạng hóa kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Thứ bảy, nhận thức đầy đủ tiềm năng của kinh tế biển đòi hỏi sự tham gia tích cực và có hiệu quả của tất cả các nhóm, thành phần xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, cộng đồng dân tộc thiểu số… Kiến thức và phương thức thực hành dân gian có thể cung cấp cách tiếp cận phù hợp, góp phần cải thiện quản lý tài nguyên biển.

Thứ tám, phát triển kế hoạch quy hoạch không gian biển và bờ biển (CMSP) là bước đi quan trọng nhằm định hướng việc ra quyết định trong phát triển kinh tế biển và giải quyết các xung đột phát sinh trên không gian biển. CMSP giúp xác định các khu vực thích hợp nhất đối với các dạng hoạt động sử dụng không gian biển khác nhau, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo thuận lợi cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên biển, tăng tính hiệu quả về kinh tế, xã hội và an ninh.

Thứ chín, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, bởi kinh doanh là đầu tàu thúc đẩy thương mại, tăng trưởng kinh tế, tạo việt làm và giảm nghèo.

Thứ mười, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt giữa các đảo quốc nhỏ và các quốc gia ven biển kém phát triển.

Theo Báo Đại đoàn kết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách, pháp luật các nước về kinh tế biển: 10 bước phát triển kinh tế biển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO