Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2019/NĐ-CP về việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ngày 29/7/2019. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2019.
Theo đó, vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia là vùng đất ngập nước có diện tích từ 5.000 ha trở lên đối với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc vùng có diện tích từ 300 ha trở lên đối với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
Thứ nhất, có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái.
Thứ hai, là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài đặc hữu hoặc 05 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc 01 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc của 10.000 cá thể chim nước, chim di cư trở lên.
Thứ ba, giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái của một vùng liên tỉnh hoặc quốc gia.
Thứ tư, có giá trị đặc biệt về cảnh quan, sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa đối với quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước; Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia và cấp tỉnh; Xác lập, quản lý các hoạt động trong phân khu chức năng của khu bảo tồn đất ngập nước;…
Bổ sung Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Ngày 16/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo đó, những loài động vật sau được bổ sung vào Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: Rùa đầu to (thuộc họ Rùa đầu to); thằn lằn cá sấu (thuộc họ Thằn lằn cá sấu); tắc kè đuôi vàng (thuộc họ Tắc kè); rẽ mỏ thìa, choắt mỏ vàng (thuộc họ Rẽ); trĩ sao, công (thuộc họ Trĩ); cầy giống đốm lớn, cầy vằn bắc, cầy gấm (thuộc họ Cầy)… Riêng trâu rừng nằm trong họ Trâu bò được loại khỏi Danh mục loài nguy cấp theo quy định mới tại Nghị định này.
Đặc biệt, bổ sung 08 loài thuộc họ Lan quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đó là: Lan hài chai (lan vân hài), lan hài xanh, lan hài chân tím (lan hài trần liên), lan hài trân châu, lan hài hằng, lan hài đỏ (lan hài hồng), lan hài tam đảo, lan hài thăng heng (lan hài hêlen).
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung cụ thể 03 loài thực vật khác vào Danh mục các loài nguy cấp, đó là: Hoàng liên gai lá mốc (Hoàng liên gai, hoàng liên ba gai, Tiểu nghiệt bá), hoàng liên gai lá nhỏ, hoàng liên gai lá dài thay vì chỉ quy định họ Hoàng liên gai chung như trước đây.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/9/2019.
Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Ngày 15/9/2019, hành Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ có hiệu lực.
Theo đó, thu một lần bằng 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp sau:
Thứ nhất, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thời hạn khai thác đến 05 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 01 tỷ đồng.
Thứ hai, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thời hạn khai thác đến 03 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 500 triệu đồng.
Ngoài hai trường hợp trên, thu nhiều lần đối với các trường hợp còn lại, lần đầu thu với số tiền được tính bằng 30% tổng số tiền chia cho nửa thời hạn khai thác. Từ lần thu thứ hai thu bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trừ đi số tiền thu lần đầu và chia đều cho số năm phải nộp còn lại và hoàn thành việc thu vào nửa đầu thời hạn cấp phép.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như sau: Lần đầu chậm nhất là 90 ngày, tính từ ngày nhận được thông báo của Cục Thuế địa phương và trước khi nhận giấy phép khai thác. Từ lần thứ hai vào năm tiếp theo được chia làm 02 kỳ (kỳ 1 trước ngày 31/5, kỳ 2 trước ngày 31/10). Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp tiền một lần cho cả năm thì thời hạn chậm nhất là ngày 31/5 trong năm.
Sửa thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa
Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2019) sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, sửa đổi quy định về thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa như sau:
- Đối tượng có nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa sẽ gửi 01 bản đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 62 này đến UBND cấp xã;
- Trường hợp bản đăng ký không hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất (NSDĐ) chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký;
- Nếu bản đăng ký hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong 05 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho NSDĐ;
- Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 62 này.
Mức phạt vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi
Nội dung này được quy định tại Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu hoạt động sai nội dung quy định trong mỗi loại giấy phép sau:
- Xả nước thải vào công trình thủy lợi;
- Xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
- Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngoài ra, với các hành vi nêu trên người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 01 - 03 tháng.
Nghị định này có hiệu lực ngày 09/9/2019.