Ảnh minh họa |
Số ca mắc ở Việt Nam
Tính đến 18h ngày 8/4: Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.
Tính từ 6h đến 18h ngày 8/4: 9 ca mắc mới, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Thông tin ca mắc mới
CA BỆNH 2660 (BN2660) ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia. Bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Dubai, sau đó nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay EK394 ngày 6/4 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Hưng Yên. Kết quả xét nghiệm ngày 7/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
CA BỆNH 2661 (BN2661) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
CA BỆNH 2662 (BN2662) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 2/4, BN2661-2662 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN311 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 8/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
CA BỆNH 2663 (BN2663) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 31 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
CA BỆNH 2664 (BN2664) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 22 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.
Ngày 6/4, BN2663-2664 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 7/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
CA BỆNH 2665 (BN2665) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Ngày 31/3 bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Giang. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 8/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
CA BỆNH 2666 (BN2666) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 4 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
CA BỆNH 2667 (BN2667) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 33 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, là mẹ của BN2666.
Ngày 3/4, BN2666-2667 từ Ucraina quá cảnh Qatar, sau đó nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR970 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 6/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
CA BỆNH 2668 (BN2668) ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nam, 46 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Ấn Độ. Ngày 1/4, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Số người cách ly
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 36.971, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 516 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.830 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.625 người.
Tình hình điều trị
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 22 ca; số ca âm tính lần 2 là 11 ca; số ca âm tính lần 3 là 17 ca.
Hơn 55.000 người Việt tiêm chủng vắc xin COVID-19 an toàn
Tính đến ngày 8/4, sau một tháng triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tất cả các trường hợp tiêm vắc xin AstraZeneca đều an toàn do Việt Nam áp dụng quy trình tiêm chủng an toàn.
Từ ngày 8/3, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng tại Việt Nam, với 3 địa phương đầu tiên triển khai là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương. Đến ngày 7/4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho 55.151 người tại 19 tỉnh, thành phố, bao gồm: các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì, đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vắc xin phòng COVID-19, mà còn ở các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván.
Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Với phương châm“Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
Cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng. Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.