Bắt đầu từ sức mạnh của người dân
Đến với nhiều xã, thôn của tỉnh Quảng Ninh, có thể thấy rõ bộ mặt nông thôn đã đổi thay đáng kể, đang hàng ngày “thay da, đổi thịt”. Thay vì trông chờ, ỷ lại với suy nghĩ chỉ biết “nhận”, người dân đã tự ý thức vươn lên phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống, cùng nhau thi đua xây dựng đời sống văn hóa, chung tay hiến đất mở rộng đường giao thông.
Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vừng, trong đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020” (gọi tắt là Đề án 196). Đây là cách làm riêng của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135 đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao đời sống của người dân ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo vốn còn nhiều khó khăn.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ, tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân.
Đi đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu
Nhận thức tầm quan trọng về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, năm 2017, Quảng Ninh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư (thôn) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu NTM. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ lãi suất vốn vay tín dụng để thực hiện Chương trình xây dựng xã, thôn NTM kiểu mẫu.
Sau gần 3 năm thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình, từ đó, tự giác tham gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: tập trung phát triển kinh tế; chỉnh trang vườn nhà, cảnh quan môi trường từ nhà đến thôn, xóm, xã, huyện, nhờ vậy, công tác vệ sinh môi trường nông thôn có những chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm được phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ gia đình có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 3,54% (năm 2016) xuống còn 1,28% (năm 2018).
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện Quảng Ninh đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đây cũng là một trong những xã đầu tiên của cả nước đạt chuẩn.
Sau gần 3 năm triển khai Đề án 196, đến thời điểm này tổng nguồn vốn Quảng Ninh đã huy động thực hiện Đề án 196 là gần 1.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh là hơn 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa trên 146 tỷ đồng. Hiện nay, Quảng Ninh đang dồn lực, phấn đấu đến hết năm 2019 hoàn thành mục tiêu đưa tất cả các xã, thôn thuộc Chương trình 135 của tỉnh hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, trước 1 năm so với lộ trình Đề án đã được phê duyệt. |