Chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp Lai Châu phát triển

08/10/2014 00:00

(TN&MT) - Chính sách CTDVMRT được triển khai tại tỉnh Lai Châu đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm cho...

   
(TN&MT) - Sau hơn 3 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu, chính sách này đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lao động. Cũng nhờ triển khai chính sách này, tỉnh đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu.
   
Một cánh rừng phòng hộ xã Nậm Loỏng phát triển tốt nhờ được chăm sóc và bảo vệ.
   
Không đốt nương, không phá rừng và... không nhận gạo cứu đói
   
  Bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng, TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu là bản có đại đa số đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào nơi đây khá lên rất nhiều từ khi tỉnh áp dụng chính sách chi trả môi trường rừng mà Chính phủ đem lại cho đồng bào vùng sâu vùng xa.
   
  Ông Sùng A Trang, người dân của bản Gia Khâu I vui vẻ cho biết: Nhà ông trước đây vất vả lắm. Quanh năm đốt nương làm rẫy, nuôi lợn, nuôi bò… mà vẫn không đủ nuôi 7 miệng ăn. Từ năm 2013, Chính phủ giao cho gia đình ông nhận bảo vệ 66,35ha rừng với mức được chi trả 426.800đ/ha. Từ đó đỡ đói nghèo rồi. “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong bản tích cực bảo vệ rừng, không chặt cây lấy củi và không phải đốt nương làm rẫy như nhiều năm trước. Bây giờ dù không còn đốt nương, phá rừng như trước nhưng người H’Mông bản Gia Khâu vẫn đủ cải ăn lại còn có tiền để giành nữa đấy” – ông Sùng A Trang không giấu nổi niềm vui.
   
  Cũng với số tiền được chi trả như gia đình ông Sùng A Trang vào năm 2013, gia đình ông Sùng A Vư được nhận khoán bảo vệ 43,196 ha rừng, ông Má A Sình nhận bảo vệ rừng với diện tích 33,31 ha... và còn hàng trăm hộ dân người H’Mông bản Gia Khâu đã thoát nghèo từ chính sách quan trọng này của Chỉnh phủ.    
   
  Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Lai Châu thì từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán đã được tăng lên đáng kể, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Ngoài ra, chính sách này còn giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, nhiều bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Đặc biệt, UBND xã Mường Mô có văn bản gửi Phòng Lao động – TBXH, huyện Mường Tè không nhận trợ cấp gạo cứu đói năm 2012 vì đã có tiền bảo vệ rừng để mua lương thực.
   
Quản lý đến từng khoảnh rừng, từng chủ hộ
   
  Từ khi thực hiện chính sách này, Chính quyền các cấp ở Lai Châu đã yên tâm hơn khi rừng được giao đến từng chủ hộ. Đặc biệt, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy cũng giảm rõ rệt, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong năm 2013 giảm 15 vụ so với năm 2011. Trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm lớn về phá rừng. Ông Nguyễn Hữu Hiện, cán bộ Hạt Kiểm lâm TP. Lai Châu cho biết: “Qua thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cái được lớn nhất là nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Nhờ đó, lực lượng kiểm lâm các đơn vị nói chung và Hạt Kiểm lâm thành phố nói riêng dễ dàng hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”.
   
  Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, ông Nguyễn Trọng Lịch, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết: Để việc chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích thì công tác rà soát xác định chủ rừng, diện tích được chi trả tiền DVMTR và lập hồ sơ quản lý là rất quan trọng. Hiện nay, việc xác định chủ rừng và diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Lai Châu được cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát hàng năm.
   
  Bên cạnh công tác kê khai, rà soát xác định diện tích ranh giới rừng phải chính xác, đúng đối tượng thì công tác tuyên truyền, vận động cũng cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, hiệu quả nhất là các bản vùng sâu vùng xa...  “Có thể nói hiệu quả thiết thực của CSCTDVMTR đã, đang và sẽ là tiền đề cho người dân Lai Châu tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn lực vững chắc cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”. - ông  Nguyễn Trọng Lịch nói.
   
   
Năm 2012, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 2,2 triệu đồng/hộ/năm; năm 2013 khoảng 2,5 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt năm 2013, hộ có thu nhập cao nhất tại xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn là 47,5 triệu đồng; huyện Mường Tè có mức thu nhập bình quân của các hộ trong huyện là 16,4 triệu đồng, cao hơn rất nhiều mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh. Ước tính năm 2014, trung bình khoảng 3,3 triệu đồng/hộ/năm (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2012), các hộ huyện Mường Tè trung bình khoảng 21,8 triệu đồng/hộ/năm (tăng gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2013); dự kiến hộ cao nhất tại xã Pú Đao huyện Nậm Nhùn khoảng 63 triệu đồng/hộ/năm.
        
    
   

    
Bài và ảnh: Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp Lai Châu phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO