Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cách làm hay ở Sơn La

30/11/2016 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Sơn La không chỉ góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân, mà còn được sử dụng hiệu quả để xây dựng 1.728 công trình nông thôn như nhà văn hóa, trường học, đường giao thông, công trình nước sạch vệ sinh môi trường..., góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tại những xã nghèo vùng sâu, vùng xa.

 Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả DVMTR
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả DVMTR

Giảm gần 700 vụ vi phạm quy định QLBVR

Được triển khai từ năm 2009, 8 năm qua, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nguồn động lực về tài chính trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Lương Thái Hùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết: Thành công lớn nhất của chính sách là tác động đến nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Từ khi thực hiện chính sách, người dân đã nhận thức rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình nên đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Chính quyền cơ sở thực sự vào cuộc, từ công tác vận động tuyên truyền, tổ chức, điều hành quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống chữa cháy rừng ở cơ sở tốt hơn, ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại. Năm 2015 giảm 685 vụ so với năm 2009.

Bên cạnh đó, chính sách đã tạo nguồn tài chính lớn, ổn định cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Qua 8 năm thực hiện, tổng số tiền thu ủy thác từ các đơn vị sử dụng chi trả DVMTR để chi trả cho các chủ rừng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng, gần gấp 2 đến 3 lần nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh hàng năm.

Từ nguồn vốn này, đã giúp giải quyết được khó khăn về kinh phí bảo vệ và phát triển rừng cho các chủ rừng là tổ chức nhà nước, đặc biệt là các công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp và các Ban quản lý Bảo vệ rừng, trong bối cảnh Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng toàn quốc.

Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn thu tiền ủy thác chi trả DVMTR đạt hơn 437 tỷ đồng; đã giải ngân được trên 388 tỷ đồng trên tổng số 403 tỷ đồng kinh phí phải chi trả cho các chủ rừng, đạt 96,4% kế hoạch. Năm 2016, đã chi trả hơn 114 tỷ đồng cho gần 47.000 chủ rừng, với diện tích 609.483ha trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Đồng thời, Quỹ đã chuyển hơn 14 tỷ đồng cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh để thực hiện 9 phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ.

Tiền chi trả DVMTR cùng với các thu nhập khác từ rừng và việc rừng được bảo vệ tốt hơn đã góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân. Thu nhập từ DVMTR không ngừng tăng lên theo từng năm, do đơn giá chi trả ngày càng cao, đặc biệt là tại lưu vực Sông Đà năm 2015 là 269.000 đồng/ha, tăng 244% so với đơn giá 110.000 đồng/ha/năm 2011-2012.

Đặc biệt, để sử dụng hiệu quả từ tiền DVMTR, từ năm 2014, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La tuyên truyền, vận động gom các chủ rừng có diện tích nhỏ lẻ thành quản lý theo cộng đồng. Tiếp đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản.

Theo đó, dành khoảng 40% số tiền chi trả dành cho tổ đội quản lý bảo vệ rừng như trang bị quần áo bảo hộ, giày, mũ, dụng cụ PCCCR, mua cây giống trồng rừng... 60% dùng chung cho cộng đồng để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới như đường giao thông, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường nông thôn, nước sạch... đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân.

Kết quả, thay vì huy động đóng góp của người dân, các cộng đồng quyết định cùng nhau bảo vệ rừng và sử dụng một phần số tiền chi trả DVMTR này xây dựng trên 1.728 công trình nông thôn, với tổng số tiền trên 37,32 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, tiền DVMTR được đầu tư hỗ trợ 689 công trình nông thôn, với tổng kinh phí 12,668 tỷ đồng. Từ khi có đường bê tông đã giúp người dân tiêu thụ nông sản dễ hơn, thu nhập cao hơn, đời sống người dân được cải thiện, giảm được áp lực phá rừng.

Tuy nhiên, người dân Sơn La vẫn chưa thể sống được bằng
Tuy nhiên, người dân Sơn La vẫn chưa thể sống được bằng "nghề rừng"

Trăn trở bài toán “nghề rừng”

“Hiệu quả tích cực là thế, nhưng thu nhập của người dân làm nghề rừng trên địa bàn tỉnh vẫn đạt rất thấp, chưa đảm bảo cho người dân thu nhập và sống được bằng nghề rừng” – ông Lương Thái Hùng cho biết.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La mới chỉ có 2 nguồn thu theo quy định từ các nhà máy thủy điện và nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, với khoảng 100-120 tỷ đồng/năm, chia cho hơn 600.000ha rừng trên toàn tỉnh thì đơn giá còn thấp, dẫn tới người dân được hưởng lợi từ rừng chưa có đủ nguồn thu nhập tự nuôi sống mình.

Bên cạnh đó, mức chi trả chênh lệch lớn giữa các lưu vực trên địa bàn tỉnh làm cho thu nhập người dân làm rừng có sự chênh lệch lớn. Trong khi các chủ rừng thuộc lưu vực Sông Đà được chi trả DVMTR năm 2015 với đơn giá 269.000 đồng/ha/năm, thì lưu vực Sông Mã chi trả 38.800 đồng/ha/năm, gây tâm lý thắc mắc, so bì giữa những người dân tham gia bảo vệ rừng, nhất là các chủ rừng tại lưu vực Sông Mã.

Nhận thức của một số đơn vị sử dụng DVMTR, nhất là các công ty sản xuất kinh doanh thủy điện chưa cao nên chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền DVMTR từ năm 2011-2016 về Quỹ với số tiền trên 13 tỷ, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.

Sau kết quả kiểm kê rừng toàn tỉnh, diện tích rừng, chủ rừng đủ điều kiện được chi trả DVMTR giảm so với kết quả chi trả DVMTR nguồn năm 2015, ảnh hưởng đến công tác chi trả cũng như quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng trên toàn tỉnh.

Trong năm 2017, để tạo thêm nguồn thu, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La sẽ tập trung tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện dự án nghiên cứu, đề xuất đối tượng phải chi trả, mức chi trả, phương thức chi trả với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước; Dự án nghiên cứu thí điểm mức thu với các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại hồ Thủy điện Sơn La làm cơ sở để ban hành mức thu với nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; Triển khai điều tra thống kê với các đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR... Nếu thực hiện được các dự án trên, sẽ tạo thêm nguồn lực rất lớn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân Sơn La từ rừng.

Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cách làm hay ở Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO