Chi tiết hợp tác toàn diện giữa Bộ TN&MT với Bộ GTVT quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH

08/03/2018 20:32

(TN&MT) - Chiều 8/3 tại Hà Nội, hai Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Nguyễn Văn Thể đã chủ trì buổi lễ và ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai bộ Tài nguyên và Môi trường và Giao thông vận tải về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2018 - 2021.

0803 hai bt ky hop tac
Hai Bộ trưởng ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2021 giữa hai bộ: TN&MT với GTVT về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin đăng tải toàn văn nội dung hai Bộ trưởng đã ký kết chiều 8/3/2018 để bạn đọc theo dõi.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch và trong quá trình thẩm định, phê duyệt, thực hiện đầu tư các dự án của ngành giao thông vận tải.

b) Phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai Bộ để quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

 2. Yêu cầu

a) Công tác phối hợp giữa hai Bộ phải đảm bảo tính thường xuyên, chủ động và kịp thời; phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi bên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Chương trình phối hợp công tác phải được hai Bộ cụ thể hóa bằng các kế hoạch và chỉ đạo thường xuyên; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG PHỐI HỢP

Chương trình này quy định việc phối hợp giữa hai Bộ trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước; việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ; công tác thanh tra, kiểm tra và các nội dung chuyên môn khác có liên quan; xây dựng, nâng cao năng lực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hai Bộ giai đoạn 2018 - 2021.

Chương trình này áp dụng đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị thuộc hai Bộ và các cơ quan, đơn vị khác có hoạt động liên quan.

III. NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế

a) Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, quản lý và sử dụng đất đai, biển và hải đảo ... để phù hợp với mục tiêu phát triển ngành giao thông vận tải.

- Đề xuất, phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ tích hợp, chia sẻ trao đổi dữ liệu, các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường do 2 Bộ quản lý; xây dựng cơ chế kết nối liên thông hỗ trợ công tác quản lý điều hành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giữa hai Bộ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

- Mời đại diện của Bộ Giao thông vận tải tham gia trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chương trình, đề án có liên quan hoạt động giao thông vận tải.

b) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường trong giao thông vận tải.

- Mời đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chương trình, đề án có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ

a) Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch sử dụng đất các cấp ở địa phương có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy hoạch điều tra và khai thác khoáng sản là cát, sỏi, vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp thuộc khu vực liền kề phạm vi bảo vệ công trình giao thông vận tải.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường biển, hải đảo.

- Mời đại diện của Bộ Giao thông vận tải tham gia lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thẩm định hồ sơ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có liên quan hoạt động giao thông vận tải.

- Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo quy định, đảm bảo đáp ứng tiến độ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt chiến lược, quy hoạch.

b) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tích hợp các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc ngành giao thông vận tải.

- Cung cấp các thông tin quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất trong lĩnh vực giao thông vận tải phục vụ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

- Tham vấn ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lấy ý kiến thoả thuận về các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch điều tra và sử dụng khoáng sản là cát, sỏi, vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp thuộc khu vực liền kề phạm vi bảo vệ công trình giao thông vận tải.

- Chỉ đạo cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược, quy hoạch nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định, tiếp thu hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải.

3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, dự án

a) Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong thẩm tra khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai cho mục đích phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án phát triển giao thông.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

- Phối hợp thúc đẩy việc triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải thủy, hỗ trợ tự do giao thông thủy trên sông Mê Công; hỗ trợ việc tăng cường năng lực, chia sẻ thông tin sử dụng nước và cảnh báo nguy cơ, tác động xuyên biên giới đối với các hoạt động giao thông thủy.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo vệ môi trường và hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trong nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hướng dẫn kỹ thuật nhằm kiểm soát, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm kê khí nhà kính quốc gia; phối hợp xây dựng, phát triển thị trường các bon trong nước và các cơ chế hợp tác khác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải (theo Điều 6 Thỏa thuận Paris); phối hợp xúc tiến tài trợ, triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động giao thông vận tải.

- Chỉ đạo tăng cường bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giao thông vận tải.

- Chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian trong thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án sân bay Long Thành, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và trong thẩm định, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giấy phép giao khu vực biển đối với công trình nạo vét, duy tu hàng năm luồng hàng hải có thực hiện đổ vật liệu nạo vét ở biển.

b) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định các sản phẩm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

- Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quản lý nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định, tiếp thu hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ nhận chìm ở biển và hồ sơ giao khu vực biển của các công trình, dự án giao thông vận tải.

- Tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải khai thác thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu bảo đảm an toàn trong hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt trong hoạt động bay hàng không dân dụng.

- Cập nhật dữ liệu giao thông và cung cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý theo quy định pháp luật.

- Chỉ đạo hướng dẫn, điều hành bảo đảm hoạt động ra vào bến đỗ của đội tàu nghiên cứu biển Việt Nam được an toàn, thuận lợi, đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giao thông vận tải nhằm góp phần thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; thiết lập hệ thống MRV cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.

4. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực có liên quan của hai Bộ

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong lập và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các cơ sở, dự án trong ngành giao thông vận tải.

b) Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng lạch, tuyến giao thông thủy; xử lý vi phạm xếp hàng vượt quá tải trọng tại các mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu… nhằm bảo vệ công trình giao thông; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

- Cử đại diện tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường nêu tại điểm a, mục này; mời đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông (trong đó có sử dụng đất xây dựng công trình giao thông, đất sử dụng làm hành lang bảo vệ công trình giao thông; các hoạt động nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng lạch, tuyến giao thông thủy).

5. Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

a) Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chia sẻ thông tin, dữ liệu về: (i) Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả quan trắc chất lượng môi trường, kết quả đánh giá ngưỡng chịu tải về môi trường của các vùng, địa phương, các khu vực biển để phục vụ công tác xây dựng và điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải; (ii) Kết luận thanh tra, kiểm tra và kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục của các đối tượng thanh tra, kiểm tra để phối hợp theo dõi, giám sát; (iii) Thông tin, số liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, phân vùng nguy cơ sạt lở/lũ ống/lũ quét; (iv) Chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác của Bộ Giao thông vận tải.

- Cử đại diện tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các tổ chức, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải.

- Công bố, khen thưởng, tôn vinh các điển hình thuộc ngành giao thông vận tải làm tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

- Chia sẻ thông tin, dữ liệu về: (i) Việc lập và triển khai các quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải; (ii) Các vấn đề tài nguyên và môi trường phát sinh trong hoạt động của ngành giao thông vận tải; (iii) Thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động hàng hải phục vụ cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; (iv) Thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên và môi trường hình thành trong hoạt động của Bộ để tích hợp vào cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia dùng chung, phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu (lớp thông tin, dữ liệu về mạng lưới giao thông, quan trắc tài nguyên và môi trường, quy hoạch giao thông...).

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường trong ngành giao thông vận tải.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc trong việc phối hợp, thống nhất triển khai nội dung Chương trình phối hợp công tác. Đối với các hoạt động phối hợp thường xuyên, mỗi Bộ tự bảo đảm kinh phí theo quy định; đối với các hoạt động phối hợp có kế hoạch dài ngày, kinh phí lớn, hai Bộ cùng nhau bàn bạc xác định kinh phí phối hợp, thống nhất cách thức phân bổ cho mỗi Bộ hoặc báo cáo đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định cấp kinh phí.

2. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Môi trường Bộ Giao thông vận tải làm đầu mối của hai Bộ trong phối hợp công tác. Căn cứ nhiệm vụ của mỗi bên, hai đơn vị đầu mối có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

3. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, kế hoạch phối hợp hằng năm đã được phê duyệt để bố trí kinh phí triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp công tác này theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp công tác tại địa phương.

5. Định kỳ 06 tháng/lần, Lãnh đạo đơn vị đầu mối của hai Bộ có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin về các vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển khai theo kế hoạch hằng năm đã được phê duyệt và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện Chương trình.

6. Hằng năm, Bộ trưởng hai Bộ đồng chủ trì và tổ chức họp luân phiên tại trụ sở hai Bộ để đánh giá kết quả hoạt động phối hợp công tác, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch cho năm sau.

7. Các đơn vị được giao làm đầu mối có nhiệm vụ tham mưu chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp của hai Bộ và tổ chức tổng kết, đánh giá Chương trình vào năm 2020.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Chương trình phối hợp có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Lãnh đạo hai Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc hai Bộ có trách nhiệm thực hiện quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện có các khó khăn vướng mắc, phát sinh những nội dung phối hợp cần thiết, hai đơn vị đầu mối trao đổi, báo cáo Bộ trưởng hai Bộ để thống nhất chỉ đạo giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết hợp tác toàn diện giữa Bộ TN&MT với Bộ GTVT quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO