Chi tiết biện pháp xử lý vệ sinh môi trường sau lũ quét ở Mù Cang Chải

07/08/2017 00:00

(TN&MT) - Ngay sau khi trận lũ ống, lũ quét xảy ra, Sở TN&MT Yên Bái đã có công văn số 1309 gửi UBND huyện Mù Cang Chải hướng dẫn xử lý môi trường sau lũ quét.

Theo đó, ngay sau khi xảy ra lũ vào rạng sáng 3/8, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo UBND huyện Mù Cang Chải và các sở, ban, ngành của tỉnh đã khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả của trận lũ ống, lũ quét. Để thực hiện công tác vệ sinh môi trường và phòng chống các dịch bệnh sau lũ, Sở TN&MT Yên Bái đã hướng dẫn một số biện pháp thực hiện tại cộng đồng dân cư.

Các thầy, cô giáo cùng phụ huynh học sinh chung sức dọn dẹp để chuẩn bị năm học mới
Các thầy, cô giáo cùng phụ huynh học sinh chung sức dọn dẹp để chuẩn bị năm học mới. Ảnh:Việt Hùng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn vào chiều tối 7/8, ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái cho biết: trên cơ sở hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường sau lũ tại cộng đồng dân cư, từ ngày 4/8 Sở TN&MT Yên Bái đã đề nghị đề nghị UBND huyện Mù Cang Chải chỉ đạo Phòng TN&MT, các phòng ban thuộc UBND huyện, đội vệ sinh môi trường, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các giải pháp vệ sinh môi trường.

“Trong quá trình thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả lũ quét, đảm bảo vệ sinh môi trường… nếu có yêu cầu của UBND huyện Mù Cang Chải thì Sở TN&MT Yên Bái luôn sẵn sàng cử cán bộ giúp đỡ huyện về kỹ thuật để thực hiện đúng yêu cầu vệ sinh môi trường sau lũ góp phần sớm ổn định đời sống của đồng bào nơi đây” - ông Hà Mạnh Cường nói.  

Sở TN&MT Yên Bái cũng hướng dẫn một số biện pháp vệ sinh môi trường sau lũ quét tại Mù Cang Chải, cụ thể như sau:  

Vệ sinh môi trường ảnh hưởng do lũ: 

Thu dọn đất đá, rác, xác động vật chết và xử lý nước sinh hoạt gồm: 

Thu dọn đất đá, rác thải, xác động vật chết: Bùn đất, rác thải sau khi thu dọn từ các hộ gia đình, cơ quan, công sở phải được thu gom, tập kết đúng địa điểm theo chỉ đạo của UBND huyện;

Thu gom, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế chỗ có xác súc vật chết đúng nơi quy định;

Phun hóa chất khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế toàn bộ khu vực nhà và các công trình vệ sinh và khu vực xung quanh. Đặc biệt là phun hóa chất khử trùng hoặc rắc vôi bột vào nơi, vị trí có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi  súc vật chết; Nếu nhà tiêu và chuồng trại gia súc bị hỏng phải tu sửa và làm vệ sinh sạch sẽ.

Lực lượng Công an, Dân phòng cũng tham gia tích cực giúp dân giữ dìn an ninh trật tự và dọn dẹp sau lũ
Lực lượng Công an, Dân phòng cũng tham gia tích cực giúp dân giữ dìn an ninh trật tự và dọn dẹp sau lũ. Ảnh: Việt Hùng

Xử lý nước sinh hoạt sau lũ

Đối với nước khe, nước lần: Tiến hành xử lý nước khe, nước lần theo 3 bước: Bước 1: Thau rửa bể chứa nước hoặc vệ sinh khu vực lấy nước đầu nguồn; 

Vệ sinh, khơi thông bùn đất, rác thải, xác động vật chết khu vực lòng suối, khe, lần đầu nguồn tại vị trí điểm đầu dẫn nước về sử dụng sinh hoạt;

Làm vệ sinh bùn đất, rác thải bể chứa nước tập trung đầu nguồn (nếu có); Kiểm tra sửa chữa toàn bộ đường ống dẫn nước từ vị trí lấy nước (vị trí khe, lần nước hoặc bể chứa nước tập trung đầu nguồn) về từng hộ gia đình;

Bước 2: Biện pháp làm trong nước: Nước suối, khe, lần được dẫn về và chứa vào các dụng cụ chứa nước của các hộ gia đình, cơ quan, công sở (bể, téc, lu, chum…) đủ dùng sinh hoạt trong ngày để đảm bảo làm trong nước;

Dùng phèn chua liều lượng 50 gam/1m3 nước, (50 gam tương đương nửa lạng) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa không quá 100 gam/1m3; Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu; Cho nước phèn chua đã hòa tan vào bể, téc, lu, chum… chứa nước rồi khuấy đều đảm bảo nước phèn chua hòa tan trong nước sinh hoạt cần làm trong, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước...

Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước chứa trong dụng cụ chứa nước (bể, téc, lu, chum…) được dẫn từ khe, lần sau khi đã làm trong như ở bước 2 (tính bằng m3) để xác định hoá chất khử trùng. Cứ 1 m3 nước hoà tan 10 - 20gam Chloramine B, tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước);

Múc một gáo nước (khoảng 1-2 lít) và hoà tan lượng hoá chất nói trên vào nước (phải khuấy đều cho tan hết hoá chất). Sau đó, đổ nước hóa chất đã hòa tan vào bể, téc, lu, chum… chứa nước rồi khuấy đều đảm bảo nước khử trùng được hòa tan trong nước sinh hoạt cần khử trùng. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Chlo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Chlo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B/1m3 nước, khuấy đều rồi cho vào bể, téc, lu, chum… chứa nước đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo. Nếu lỡ cho quá nhiều Chloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Chlo mới sử dụng.

Lưu ý: Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn; Sau khi khử trùng nếu ngửi nước có mùi Chlo thì việc khử trùng mới có tác dụng; Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được…

Các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng dồn toàn lực phương tiện xe máy dọn dẹp giúp dân
Các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng dồn toàn lực phương tiện xe máy dọn dẹp giúp dân. Ảnh: Việt Hùng

Đối với giếng khơi (giếng đào). Tiến hành xử lý nước giếng khơi theo 3 bước:

Bước 1: Thau rửa giếng: Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng; Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau, tát, vét giếng, lấy hết bùn, rác và rửa thành giếng.

Bước 2: Biện pháp làm trong nước: Dùng phèn chua liều lượng 50 gam/1m3 nước, (50 gam tương đương nửa lạng) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa không quá 100 gam/1m3; Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu; Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.

Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước trong giếng (tính bằng m3) để xác định hoá chất khử trùng. Cứ 1 m3 nước hoà tan 10 - 20gam Chloramine B, tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước);

Múc một gàu nước và hoà tan lượng hoá chất nói trên vào nước (phải khuấy đều cho tan hết hoá chất). Sau đó, thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Chlo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Chlo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B/1m3 nước, khuấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo; Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng.

Giếng đã khử trùng sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Chlo dư (0,3 - 0,5mg/lít)). Nếu lỡ cho quá nhiều Chloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Chlo mới sử dụng.

Lưu ý:  Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn; Sau khi khử trùng nếu ngửi nước có mùi Chlo thì việc khử trùng mới có tác dụng; Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Khử trùng môi trường và xử lý tử thi,  xác động vật chết

Biện pháp khử trùng môi trường: Toàn bộ khu vực dân cư, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng, đặc biệt là khu vực tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, chợ… cần phải được thực hiện tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế để đảm bảo không phát sinh, lây lan bệnh dịch sau lũ;

Bố trí kinh phí và cán bộ để thực hiện phu hóa chất tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế cho toàn bộ các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị (trường học, bệnh viện) và khu vực công cộng (chợ, đường giao thông) trong khu vực trung tâm lũ. Trong đó, đặc biệt là các điểm có phát hiện xác người, động vật chết.

Xử lý tử thi và xác động vật chết: Đối với tử thi người: Sau khi hoàn thành các thủ tục xác định nhân thân tiến hành bàn giao cho gia đình thực hiện chôn cất, mai táng tại nghĩa trang theo quy định của địa phương hoặc khu vực có địa hình cao ráo, xa nguồn nước và xa khu vực dân cư tập trung; trường hợp không xác định được hoặc không có gia đình đến nhận thì chính quyền địa phương phải thực hiện chôn cất, mai táng tại nghĩa trang;

Trường hợp tử thi đã phân hủy phải xử lý bằng hóa chất sát trùng và phải được bao gói kín ngay tại nơi phát hiện thi thể, không để rơi rớt dịch cơ thể phân hủy tránh gây ô nhiễm môi trường, sau đó mới di chuyển về vị trí chôn cất, mai táng. Tránh di chuyển tử thi đi quá xa mới thực hiện chôn cất, mai táng.

Đối với xác động vật chết: Thu gom, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế chỗ có xác súc vật chết đảm bảo các yêu cầu sau: Khảo sát để ước tính số lượng xác xúc vật chết cần xử lý;

Vị trí chôn xác súc vật chết tốt nhất là ở ngoài đồng, có thể chôn ở trong vườn nhưng phải cách xa nguồn nước ít nhất là 30m. Hố đào chôn xác súc vật sâu ít nhất là 0,8m. Đổ từ 2-3kg vôi bột lên trên để tẩy uế hoặc phun chloramin B liều cao 25g/l. Hàng ngày kiểm tra nơi chôn xác súc vật chết nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp thêm đất và rào chắn;

Trường hợp xác súc vật chết đã phân hủy, thối rữa, bốc mùi hôi thối phải xử lý bằng hóa chất sát trùng và phải được bao gói kín ngay tại nơi phát hiện, không để rơi rớt dịch xác súc vật phân hủy tránh gây ô nhiễm môi trường, sau đó mới di chuyển đến vị trí chôn.

Lưu ý: Khử trùng nơi có tử thi, xác súc vật chết: Sau khi chuyển tử thi, xác súc vật chết đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có tử thi, xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi có tử thi và xác súc vật chết…

Ngoài ra, Sở TN&MT Yên Bái cũng hướng dẫn cụ thể phương án quản lý và thực hiện thanh thải lòng hồ thủy điện Khao Mang Thượng trong đó trú trọng đến việc: có giải pháp bảo vệ môi trường, biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thanh thải lòng hồ và công trình xử lý chất thải phát sinh trong quá trình thanh thải lòng hồ; cải tạo, phục hồi môi trường vị trí các bãi thải đổ chất thải phát sinh trong quá trình thanh thải lòng hồ…

Việt Hùng - Thanh Ngà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết biện pháp xử lý vệ sinh môi trường sau lũ quét ở Mù Cang Chải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO