Mở đầu Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tại TP Hưng Yên ngày 25/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không cần nói thành tích, mà đi sâu thảo luận đổi mới thể chế, cơ chế. Theo Thủ tướng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có bước tiến về đóng góp thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu... nhưng tính liên kết nội vùng còn yếu.
Góp ý ở hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, vai trò động lực, đầu tàu với kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa xứng tầm.
Bà Dung đánh giá, chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng Bắc Bộ đang cao so với mặt bằng chung cả nước cũng như khu vực phía Nam. Bà đơn cử, nhóm thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn 2 lần trung bình toàn quốc. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.
Ngoài ra, số lượng thủ tục hành chính giảm 50% theo mục tiêu Thủ tướng đề ra, song thời gian thực hiện lại tăng. Các địa phương cũng lúng túng khi hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục, nhất là với dự án lớn.
Đơn cử thủ tục đầu tư với dự án trong đó có diện tích đất công, quy định hiện hành không rõ sẽ đấu giá hay đấu thầu. Quy định tại các Luật: Đầu tư, Đấu thầu hay Đất đai... đang có nhiều điểm lệch pha dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Thực tế này khiến nhiều địa phương xếp hàng lên Bộ xin ý kiến, tốn thời gian và ảnh hưởng tới môi trường đầu tư địa phương, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
"Việc doanh nghiệp phải chờ vài ba tháng, thậm chí cả năm mới có văn bản ý kiến của cơ quan Nhà nước là không hiếm. Chúng tôi thấy việc triển khai thủ tục đầu tư ở vùng Nam Trung bộ trở vào thống nhất và nhanh gọn hơn so với vùng Bắc bộ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Cần cắt giảm quy trình cải cách nội bộ trong các cơ quan Nhà nước", Tổng giám đốc FLC cũng góp ý .
Chia sẻ quan điểm, ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, các địa phương trong vùng kinh tế Bắc Bộ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn hiện nay về cơ chế, quy hoạch, cơ sở hạ tầng. "Hiện ngân sách Nhà nước không đủ nguồn lực thì phải huy động từ tư nhân. Muốn vậy phải tháo gỡ cơ chế để thu hút vốn đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để tạo sức hấp dẫn cho vùng", ông nói.
Ở góc độ cơ quan tham mưu, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm nêu 5 giải pháp lớn.
Đầu tiên, cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của Vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân" của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ôtô... trong đó ưu tiên các loại hình dịch vụ cao cấp, công nghệ thông tin, có hàm lượng tri thức, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chuyển giao công nghệ.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, muốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần khuyến khích sang mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế. Đón đầu, khai thác sử dụng những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong đa dạng các loại hình dịch vụ như y tế, thanh toán, giáo dục...
Cuối cùng, theo ông cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung các hạn chế trong quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất; giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề và tại các lưu vực sông.
Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm. Quy mô kinh tế đứng thứ hai, chiếm gần 32% GDP của cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, thu ngân sách chiếm trên 31%, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước. Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều nhất cho vùng, với hơn 51% GRDP, 54% thu ngân sách và trên 200% xuất khẩu của vùng. Riêng năm 2018 tổng GRDP của vùng gần 32% GRDP cả nước, đứng thứ 2 sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình quân mỗi người dân trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có thu nhập hơn 4.800 USD, đứng thứ 2 sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục tiêu tới năm 2020 mức thu nhập bình quân sẽ tăng lên 5.500 USD. |