Chênh lệch giá đất thu hồi kéo lùi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Thanh Tùng| 12/05/2021 16:30

(TN&MT) - Đây là một trong những nội dung Bộ Tài chính nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 3 tháng và ước thực hiện 4 tháng năm 2021

Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm, có 5 Bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch. Ảnh minh họa

Báo cáo này cũng chỉ rõ, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%), trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 5 Bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, trong đó, một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Kiểm toán nhà nước (46,89%); Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%).

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 Bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là những vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận.

Ngoài ra, còn có vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi. Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Đáng chú ý, còn tình trạng chính quyền cấp cơ sở ngại va chạm với người dân do không nắm vững các quy định của pháp luật về công tác thu hồi đất…

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc giải phóng mặt bằng, một trong những tồn tại của việc giải ngân vốn đầu tư công là công tác đấu thầu. Tồn tại này chủ yếu do các cơ quan thực thi, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ngoài ra, cũng có những vướng mắc khác liên quan đến quá trình thi công do những nguyên nhân như: giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán; thời gian cấp mỏ vật liệu phục vụ thực hiện dự án kéo dài hơn 18 tháng; có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thi công theo yêu cầu.

Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 rất thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%). Ngoài các nguyên nhân chung nêu trên, việc chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài còn do chưa có khối lượng giải ngân. Cụ thể, tổng trị giá khối lượng hoàn thành được Kho bạc Nhà nước xác nhận chỉ đạt 1,7% dự toán do nhiều dự án đang ở giai đoạn mời thầu, đấu thầu, đấu thầu lại, phê duyệt hợp đồng, trình phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng phải chờ các xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị cũng các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý; đảm bảo công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ đầu tư, chủ dự án; nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, đảm bảo triển khai thực hiện các dự án theo tiến độ cam kết; giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ năng lực; tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực, đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chênh lệch giá đất thu hồi kéo lùi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO