Chất lượng môi trường nước sông Sài Gòn có xu hướng suy giảm

25/08/2016 00:00

  (TN&MT) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Báo cáo hiện trạng môi trường TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015, do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức...

 

(TN&MT) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Báo cáo hiện trạng môi trường TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015, do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức ngày 24/8.

Báo cáo hiện trạng môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015 do Sở TN&MT TP.HCM chủ trì; Trung tâm công nghệ môi trường ENTEC là đơn vị tư vấn. Hiện tại, dự thảo Báo cáo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện trình UBND Thành phố, Bộ TN&MT thẩm định và chính thức công bố.

Ông Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường ENTEC, đơn vị tư vấn trình bày những điểm chính của dự thảo Báo cáo hiện trạng môi trường TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015
Ông Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường ENTEC, đơn vị tư vấn trình bày những điểm chính của dự thảo Báo cáo hiện trạng môi trường TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015

Ông Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường ENTEC cho biết: giai đoạn 2011 – 2015,  chất lượng nước tại các khu vực cấp nước trên sông Đồng Nai được cải thiện, trong khi các khu vực cấp nước trên sông Sài Gòn và các khu vực khác (kênh rạch nội thành) có xu hướng suy giảm. Tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ và vi sinh.

Trong đó, tại các khu vực cấp nước trên sông Sài Gòn, các chỉ tiêu pH, NH4+, PO43-, COD, BOD5 đều đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 tại hầu hết các vị trí quan trắc qua các năm. Trong khi đó, các chỉ tiêu TSS, DO, Coliform và E.Coli hầu như không đạt quy chuẩn cho mục đích cấp nước tại các vị trí quan trắc (TSS vượt từ 2,35 đến 4,35 lần; Coliform vượt từ 1,3 đến 8,3 lần; E.Coli vượt từ 2 đến 700 lần). Đặc biệt, trong năm 2015, các chỉ tiêu TSS, DO, Coliform và E.Coli không đạt quy chuẩn tại tất cả các vị trí quan trắc cho mục đích cấp nước, trong đó, Coliform và E.Coli vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều lần. Các chỉ tiêu còn lại có vượt quy chuẩn cho phép trong một vài lần quan trắc, tuy nhiên không đáng kể;

Tại các khu vực cấp nước trên sông Đồng Nai, hầu hết các thông số có giá trị trung bình đạt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A1, ngoại trừ thông số chất rắn lơ lửng, dầu và vi sinh từ năm 2011 đến năm 2015 không đạt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A1. Bên cạnh đó, một số thông số không đạt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A1, bao gồm oxi hòa tan DO và nhu cầu oxi sinh hóa BOD5 (năm 2015).

Về chất lượng môi trường không khí, kết quả quan trắc ô nhiễm năm 2014 tại 15 vị trí quan trắc cho thấy:   Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra (với 64,96% số liệu bụi quan trắc tại 10 vị trí giao thông vượt QCVN 05:2013/BTNMT và 85,40% số liệu mức ồn quan trắc được tại 10 vị trí giao thông vượt QCVN 26:2010/BTNMT).

Nhìn chung, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 15 vị trí quan trắc trong năm 2014 có xu hướng giảm so với năm 2012, năm 2013. Riêng vị trí Phú Lâm, nồng độ bụi có xu hướng gia tăng và có độ biến động mạnh so với các năm, do hoạt động thi công cải tạo tuyến kênh Tân Hoá – Lò Gốm và cầu Ông Buông diễn ra trong khu vực nên làm tăng mật độ xe lưu thông qua khu vực, đặt biệt là xe tải vận chuyển cát, đá, vật liệu, bùn phục vụ cho công trình.

Giai đoạn 2011 - 2015, chất lượng môi trường nước trên sông Sài Gòn đang có dấu hiệu suy giảm
Giai đoạn 2011 - 2015, chất lượng môi trường nước trên sông Sài Gòn đang có dấu hiệu suy giảm

Theo đánh giá, trong giai đoạn 2011 – 2015, các cơ quan, ban, ngành của TP.HCM cũng đã từng bước bước hoàn thiện hệ thống quản lý nước thải, chất thải rắn; đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, khu xử lý chất thải tập trung để cải thiện môi trường. Về cơ chế chính sách, tổ chức hành chính quản lý cũng như công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế ngày càng được cải cách, hoàn thiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BVMT vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục: Số lượng cán bộ môi trường cấp thành phố còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu khối lượng công việc thực tế. Ở cấp quận huyện, một số địa phương vẫn chưa bố trí đủ cán bộ phụ trách môi trường, chưa có thanh tra viên chuyên trách về môi trường nên gặp nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ, tham mưu cho UBND cấp quận huyện để xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền;

TP.HCM cũng  chưa hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc chất lượng các thành phần môi trường, chưa cung cấp kịp thời chất lượng môi trường, cũng như chưa có sự kết nối dữ liệu quan trắc với các tỉnh lân cận. Một số dự án mang tính bức xúc tại địa phương chậm triển khai (như nạo vét kênh Rạch Dừa tại quận 12, công trình thủy lợi kênh Tam Tân,...). Còn nhiều địa phương chưa bố trí và sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (thực hiện chưa đúng nhiệm vụ chi theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 45/2010/TT-BTC-BTNMT).

Ngoài ra, dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một bộ phận nhân dân, nhất là dân nghèo ở vùng nông thôn chưa nhận thức tốt về công tác BVMT, chậm thay đổi, xóa bỏ những tập quán lạc hậu, gây những khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước về BVMT.

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng môi trường nước sông Sài Gòn có xu hướng suy giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO