Chất lượng không khí đầu năm 2019 tốt hơn đầu năm 2018
PV: Xin ông cho biết chất lượng không khí Hà Nội những ngày gần đây?
Ông Mai Trọng Thái: Có thể tóm tắt hiện tượng chất lượng không khí ô nhiễm tăng cao tuần 25/3 đến hết ngày 28/3 vừa qua như sau: Từ kết quả đo được và tính toán chỉ số chất lượng không khí (CLKK) 3 tháng đầu năm 2019 cho thấy, số ngày AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) đạt mức “Tốt” chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi (nắng ấm, có gió và mưa…) và tuần nghỉ Tết Nguyên Đán khi lượng phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh.
Số ngày AQI chạm mức “Kém” và “Xấu” chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi như 24/1-28/1 và từ 12/3 đến 14/3. Trong giai đoạn này, số ngày CLKK ở mức “Kém” và “Xấu” chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, số ngày AQI ở mức “Tốt” tại hai trạm cố định Trung Yên 3 (nền đô thị) và Minh Khai (giao thông) có tỷ lệ khá thấp chỉ chiếm 8.1%; mức “Kém” lần lượt là 24.3% và 29.7%, mức “Xấu” đều chiếm 12.2%. Nhưng nhìn chung, trong giai đoạn này, CLKK tại các khu vực quan trắc vẫn ở mức “Trung bình” là chủ yếu.
PV: Như vậy nếu so sánh với cùng kỳ năm 2018 thì CLKK Thủ đô những ngày qua như thế nào thưa ông?
Ông Mai Trọng Thái: Nếu so sánh với cùng kì năm 2018, có thể thấy CLKK Quý I/2019 không được tốt như năm trước. Cụ thể, vào Quý I/2018 tại tất cả các trạm quan trắc đều không có ngày nào CLKK chạm mức “Xấu”, mặc dù số ngày CLKK đạt mức “Tốt” thấp hơn so với 2019. Và gần như tại tất cả các trạm nền đô thị đều không có ngày nào CLKK chạm mức “Kém”. Còn vào Quý I/2019, số ngày CLKK đạt mức “Xấu” đều xuất hiện tại tất cả các trạm (như đã phân tích cụ thể ở trên).
Có thể thấy, dịp Tết Nguyên Đán của cả hai năm đều rơi vào giai đoạn tháng 2. Nhu cầu về phương tiện giao thông đi lại cũng như các hoạt động khác vào dịp cuối năm cũng đều tăng cao, tuy nhiên, điều kiện khí tượng vào dịp Tết của 2 năm là rất khác nhau.
Nếu như điều kiện thời tiết trước dịp Tết Nguyên Đán 2018 khá thuận lợi như xuất hiện mưa và gió trên diện rộng, phần nào tạo điều kiện cho các chất thải khói bụi dễ dàng khuếch tán lên các tầng cao; thì điều kiện thời tiết tại thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2019 lại bất lợi, không có mưa, ít gió, sáng sớm xuất hiện sương mù dày đặc, không có chuyển động rối, chất thải bị tích tụ lại tại bề mặt Trái đất khiến CLKK xấu đi.
Thời thiết cực đoan cộng với khí thải giao thông có thể khiến CLKK xấu
PV: Vậy thì các chỉ số CLKK Thủ đô đầu năm 2019 đang ở mức độ kém, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Ông Mai Trọng Thái: Phân tích một số nguyên nhân khiến CLKK Tp Hà nội đầu năm 2019 ô nhiễm tăng cao. Theo phân tích của chúng tôi, nguyên nhân chính khiến CLKK xấu đi tại thời điểm này là do điều kiện khí tượng bất lợi.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao. Hoặc có những hôm trời có thể có hửng nắng, ngày có nhiệt độ khá cao, nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt (chênh lệch nhiệt độ lạnh giữa mặt đất và không gian trên cao) khiến các bụi mịn bị quẩn, không thoát lên cao và phát tán trong không gian được.
Theo chúng tôi đánh giá thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt , tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt.
PV: Bên cạnh đó, ông có cho rằng chất lượng không khí cũng ảnh hưởng bởi rất nhiều khuyên nhân khác?
Ông Mai Trọng Thái: Đúng vậy, bên cạnh điều kiện thời tiết đầu năm 2019 bất lợi thì chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân khác như: Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng hoặc nguồn thải từ các khu công nghiệp lân cận… đã làm cho bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến CLKK trong giai đoạn này xấu đi.
Phân Dựa trên những kết quả quan trắc có được từ 2 năm qua, đánh giá và phân tích những thời điểm ô nhiễm tăng cao bất thường đều có liên quan đến điều kiện khí tượng, cụ thể là khi điều kiện thời tiết cực đoan, nhiều sương mù, rất ít gió và nhiệt độ thì chênh lệch cao giữa ngày và đêm.
Thực tế cho thấy, có những ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy), mật độ giao thông thường ở mức cao nhất so với các ngày khác trong tuần nhưng nếu điều kiện khí tượng thuận lợi như trời quang, nhiều gió thì chỉ số chất lượng không khí cũng thường ở mức "Trung bình". Ngược lại, đối với những ngày giao thông ở mức thấp trong tuần (Chủ Nhật) nhưng nếu độ ẩm cao, sương mù thấp, ít gió...thì chỉ số chất lượng không khí thường ở mức "kém", thậm chí ở mức "xấu". Hiện tượng này được thể hiện rất rõ trong một số tuần từ đầu năm đến nay, cụ thể như hiện tượng của tuần này, từ ngày 25/3 đến nay.
PV: Thưa ông, cơn mưa sáng nay ở Hà Nội dù chưa lớn nhưng chắc chắn sẽ cải thiện tình hình trên, vậy ông dự báo như thế nào về CLKK Thủ đô những ngày tới?
Ông Mai Trọng Thái: Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT, trong những ngày sắp tới sáng sớm tại Hà Nội vẫn sẽ có sương mù, trưa chiều trời nắng, nên CLKK vào các ngày tiếp theo có thể sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, vào các ngày cuối tuần, có thể CLKK sẽ được cải thiện do ảnh hưởng của gió mùa dự báo sẽ có mưa rào và gió mạnh.
Và thực tế trong sáng nay 29/3, tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã có mưa rào nhẹ, vì vậy CLKK Thủ đô sẽ được cải thiện. Cụ thể, vào khoảng 7h sáng nay 29/3 chỉ số bụi PM2.5, PM.10 đang ở mức Xấu (AQI từ 200-300) thì đến 8h30 sáng nay, chỉ số này đã giảm xuống còn mức Kém (AQI từ 100-200).
Và nếu cuối tuần này, gió mùa và mưa tiếp tục đến thì CLKK Hà Nội sẽ được cải thiện rõ rệt, chỉ số sẽ đạt ở mức Trung bình. Khi đó, chúng ta không phải long lắng nhiều nữa.
Đến cuối 2020 sẽ quan trắc tự động hầu hết CLKK trên địa bàn Thủ đô
PV: Thưa ông, trong thời gian mà CLKK Thủ đô đáng báo động như trên, ngành Môi trường Hà Nội đã tham mưu với Sở TN&MT cũng như Lãnh đạo Thành phố như thế nào để cảnh báo và có phương án cải thiện dần tình trạng này?
Ông Mai Trọng Thái: Chúng tôi đã và đang tham mưu đồng thời thực hiện việc thông tin hàng ngày vào khung giờ 18h30 trên Đài PTTH Hà Nội, trên báo Điện tử Hà Nội mới và Báo Điện tử Kinh tế Đô thị về CLKK trong 24h hàng ngày tại 18 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu với Sở TN&MT kiến nghị và được Thành ủy UBND TP Hà Nội chấp thuận mở rộng từ 10 Trạm Quan trắc không khí lên 33 Trạm trong thời gian từ 2019 đến 2020. Sau khí có 33 Trạm Quan trắc này, chúng tôi tự tin sẽ kịp thời thông tin, dự báo và cảnh báo về CLKK để các cơ quan chức năng, du khách và người dân được biết để hưởng ứng và thực hiện góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.
PV: Và những kiến nghị đối với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) để được thường xuyên phối hợp và hỗ trợ nghiệp vụ?
Ông Mai Trọng Thái: Thời gian qua, Chi cục Môi trường Hà Nội đã rất chủ động phối hợp với Tổng cục Môi trường mà trực tiếp là Trung tâm Quan trắc TN&MT miền Bắc để hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Môi trường để cập nhật thông tin và đầu tư đồng bộ hệ thống quan trắc của Thu đô với Hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia do Bộ TN&MT quản lý, vận hành.
Chi cục Môi trường Hà Nội cũng mong muốn ngành Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện Hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia để kết nối thông tin kiểm soát chất lượng môi trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam đặc biệt là các tỉnh lân cận và kiểm soát chất lượng môi trường xuyên biên giới… từ đó Hà Nội cũng có thể chủ động trong công tác xây dựng các kịch bản ứng phó kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.
PV:Trân trọng cám ơn ông!