Chất lượng Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chỉ đạt ở mức… “điểm 6”

10/10/2018 13:41

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước báo chí tại buổi làm việc (chiều ngày 9/10) về chất lượng của dự án sau khi thông xe toàn tuyến chưa bao lâu đã có dấu hiệu sụt lún, trên mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, rất nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao.

Trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún
Trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún

Dự án (DA) đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài gần 140km, tổng vốn đầu tư hơn 34,5 ngàn tỷ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác.

Mặc dù mới chuẩn bị bắt đầu đối diện với mùa mưa thứ 2 đối với đoạn tuyến 65Km xuất phát từ nút giao thông Túy Loan (TP. Đà Nẵng) và kết thúc tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và là mùa mưa thứ nhất đối với đoạn tuyến 74,2 Km từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi vừa được thông xe (ngày 2/9). Tuy nhiên, những ngày qua, trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng bong tróc, nhiều ổ gà, nhiều đoạn đường có dấu hiệu sụt lún.

Qua buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, do địa chất trên một số đoạn tuyến đi qua có nền đất yếu nên trong thời gian chờ cố kết, tại km10 và km18 có hiện tượng sụt lún nền đường trong mức cho phép, thời gian đến ngày 20/10 sẽ triển khai bù lún hoàn tất cho toàn tuyến.

Giải thích về tình trạng trên mặt đường tại lý trình Km26 +400 đến Km 28 + 300 (bên trái tuyến) và tại Km45 (hai bên tuyến) xuất hiện rất nhiều ổ gà dọc theo vệt bánh xe. Ông Thành cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do dầu Diesel của phương tiện lưu thông trên đường chảy xuống mặt đường làm hư hỏng lớp bê tông nhựa tạo nhám, gây bong tróc, tạo nên ổ gà. Hoặc là do độ dính bám giữa 2 lớp bê tông nhựa tại những vị trí đó không đạt so với thiết kế. Cũng có thể do công tác vệ sinh khi thực hiện thảm lớp tiếp theo chưa sạch. Hoặc do bị đọng nước tại những điểm đó và cũng không loại trừ khả năng do mẻ bê tông nhựa thảm cho khu vực tuyến đó không đạt tiêu chuẩn thiết kế…

Ông Nguyễn Tiến Thành thẳng thắn thừa nhận, về chất lượng của dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt được “6 điểm”
Ông Nguyễn Tiến Thành thẳng thắn thừa nhận, về chất lượng của dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt được “6 điểm”

“Do chưa xác định được nguyên nhân nên hiện tại, Ban quản lý dự án yêu cầu nhà thầu tiến hành cắt, vá tại những vị trí ổ gà. Đây là giải pháp tạm thời, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi hiện tượng bong tróc này trong thời gian tới, nếu còn xảy ra thì sẽ kịp thời cho xử lý ngay, tuyến mới đưa vào sử dụng, vẫn còn thời gian bảo hành (2 năm) nên mọi chi phí sửa chữa trong thời gian này do nhà thầu chịu”- ông Thành chia sẻ thêm.

Theo phân tích của một số chuyên gia đầu ngành cho rằng, việc khắc phục, cắt, vá ổ gà trên mặt đường cao tốc là rất quan trọng, cần phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nhanh để tránh gây mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao. Nhưng cắt, vá ổ gà chỉ là giải pháp tình thế, khắc phục tạm thời, về lâu dài, cần phải tìm rỏ nguyên nhân, xử lý triệt để từ gốc thì mới xử lý dứt điểm được tình trạng này.

“Tại những vị trí ổ gà sau khi được cắt, vá bù các lớp bê tông nhựa mới, trên thực tế khó có thể xử lý được độ đồng nhất về độ chặt K giữa kết cấu áo đường cũ với các lớp kết cấu áo đường mới (tại vị trí vá ổ gà), đặc biệt hơn là những vị trí vết cắt, tiếp giáp giữa mặt đường cũ và mặt đường mới được vá bù sẽ không bao giờ xử lý đạt, chính vì thế khi phương tiên tham gia giao thông với tốc độ lớn (120km/h) sẽ dễ xảy ra hiện tượng bong tróc trở lại”- vị chuyên gia này phân tích thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh những ổ gà trên mặt đường, cũng đã có nhiều vết vá ổ gà cũ mới được thực hiện không lâu. Dư luận đặt câu hỏi?. Chẳng nhẽ với quy mô thiết kế đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, tốc độ thiết kế 120km/h mà chất lượng ngay từ ban đầu đã như vậy rồi?.

Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, do địa chất trên một số đoạn tuyến đi qua có nền đất yếu nên trong thời gian chờ cố kết, tại km10 và km18 có hiện tượng sụt lún nền đường trong mức cho phép
Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, do địa chất trên một số đoạn tuyến đi qua có nền đất yếu nên trong thời gian chờ cố kết, tại km10 và km18 có hiện tượng sụt lún nền đường trong mức cho phép

Để thực hiện một công đoạn tiếp theo thì phải traỉ qua công tác nghiệm thu, bàn giao giữa nhà thầu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát tại hiện trường về hạng mục công việc trước khi hoàn thành, vậy mà cho rằng do độ dính bám không đạt, do công tác vệ sinh chưa sạch?. Do lúc thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám nhưng trên bề mặt còn đọng nước cục bộ?...

Dư luận đang nghi ngờ, có thể đưa ra một số nguyên nhân như vậy để giải thích cho những khiếm khuyết trên?. Vậy trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu,.. nằm ở đâu?. Công trình đang trong thời gian bảo hành thì chi phí sửa chữa là nhà thầu phải chịu, vậy sau khi hết thời gian bảo hành?. Liệu có phải Nhà nước phải tiếp nhận một đứa con đang bị bệnh, phải tốn tiền dài dài cho nó?.

Cũng tại buổi làm việc, PV Báo Tài nguyên và Môi trường có đặt câu hỏi so sánh về chất lượng đối với một số dự án đường cao tốc trên cả nước, ông Nguyễn Tiến Thành thẳng thắn thừa nhận, về chất lượng của dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt được “điểm 6”. Lý giải điều này, ông Thành cho hay, vì thời gian thực hiện dự án quá nhanh, kinh phí cho đơn vị tính 1 km đường đối với dự án này quá thấp, là chi phí hết sức kinh tế so với những dự án cao tốc khác trên cả nước.

Theo một số kỹ sư đầu ngành cầu, đường phân tích, ông Thành cho rằng dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt ở mức “điểm 6” cũng có nghĩa là chất lượng toàn dự án chỉ đạt được 60% theo thiết kế?. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tư ở khu vực miền Trung, là đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Vậy sau này, chất lượng toàn mạng lưới đường cao tốc của nước ta sẽ ra sao? Nếu như tồn tại chất lượng khập khểnh đoạn “điểm 6”, đoạn “điểm 10” như nhận định của nhà quản lý ở trên?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chỉ đạt ở mức… “điểm 6”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO