Chăn nuôi tập trung tạo sinh kế bền vững và bảo vệ môi trường

30/11/2017 00:00

(TN&MT) - Với mục tiêu xây dựng ngành chăn nuôi phát triển tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhiều địa phương đã hình thành khu vực nuôi trọng điểm theo quy mô hàng hóa, chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi để tăng năng suất cũng như đáp ứng được bảo vệ môi trường xung quanh.

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế-xã hội nước ta. Ngành chăn nuôi là ngành phát triển khá bền vững và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong những năm gần đây. Chăn nuôi gia súc đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao.

 

Ngành chăn nuôi là ngành phát triển khá bền vững và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong những năm gần đây.
Ngành chăn nuôi là ngành phát triển khá bền vững và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong những năm gần đây.(Ảnh M.H)

Nhiều địa phương có những đầu tư nhất định vào công tác tập trung quy hoạch vào công tác xây dựng những cơ sở hạ tầng như xây nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, có cơ sở vật chất đồng bộ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đặc biệt việc xử lý môi trường trong chăn nuôi vừa để đảm bảo chất lượng chăn nuôi vừa đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm... do vậy, những sản phẩm của địa phương nơi đây khi phân phối trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm khi sử dụng.

Dù đang trên đà phát triển và đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa phát triển được đồng bộ trên diện rộng. Những vấn đề về môi trường do ngành chăn nuôi tác động trực tiếp vẫn còn diễn ra do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Vì vậy, các địa phương và các đơn vị, các hộ kinh doanh trong ngành chăn nuôi cần phải nghiên cứu và học tập những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thế Hinh - Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, xuất phát từ những vấn đề tồn tại của ngành chăn nuôi với môi trường, một số giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của ngành chăn nuôi được đề xuất như: Nghiên cứu xây dựng các quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải rắn của các trang trại chăn nuôi để phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ.

Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải cho các quy mô chăn nuôi khác nhau theo hướng: Công nghệ KSH cải tiến cho chăn nuôi quy mô nhỏ và một số công nghệ bổ trợ khác nhằm khắc phục các hạn chế về quá tải hầm KSH; Các thiết bị giúp sử dụng hết khí ga sinh ra từ các hầm KSH; Công nghệ tách chất thải rắn từ phân lỏng do chăn nuôi quy mô công nghiệp sử dụng nhiều nước tạo ra nhằm xử lý hiệu quả hơn nước thải từ các trang trại chăn nuôi.

Có chính sách khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi nhằm thay thế phân hóa học nhập khẩu. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 90% là phân bón hóa học (số liệu thống kê năm 2016 cho thấy, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4,2 triệu tấn phân bón hóa học với trị giá 1,25 tỷ USD), phân bón hữu cơ chỉ chiếm xấp xỉ 1 triệu tấn.Tính bình quân mỗi ha canh tác ở Việt Nam nhận hơn 1 tấn phân bón hóa học mỗi năm, đây là mức cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, với khoảng 84,5 triệu tấn chất thải rắn do ngành chăn nuôi thải ra hàng năm, nếu các trang trại chăn nuôi được chuyển giao công nghệ tiên tiến để sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nhằm giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi một cách bền vững. 

Phương Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi tập trung tạo sinh kế bền vững và bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO