Chậm khắc phục “điểm đen” ô nhiễm ở “làng tỷ phú”: Vì đâu?

29/10/2013 00:00

Làng dệt nhuộm Phương La (thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là một trong những “điểm đen” ô nhiễm

   
  Làng dệt nhuộm Phương La (thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là một trong những “điểm đen” ô nhiễm nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Gần hai năm có kế hoạch triển khai, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn!
   
Các hạng mục vẫn nằm... chờ thẩm định
   
  Phương La hay dân gian gọi là làng Mẹo thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà là một ngôi làng trứ danh của miền quê lúa Thái Bình. Ngôi làng nhỏ này vang danh bởi nơi đây được mệnh danh là ngôi làng của những “tỷ phú” với những con người đi lên làm giàu từ đường tơ, sợi chỉ.  Nhưng bên cạnh đó, mảnh đất này còn nổi danh với “thành tích” trở thành một “điển hình” tiêu biểu của làng nghề “hạ độc” môi trường đến mức trầm trọng.
   
  Đến xã Thái Phương, quanh vẻ hào nhoáng xa hoa bởi những ngôi nhà cao tầng và biệt thự mọc lên san sát là một bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Các kết quả điều tra cho biết: Cả xã có trên 90% hộ gia đình làm nghề dệt nhuộm, với hàng chục công ty, xí nghiệp, 20 tổ sản xuất kinh doanh, trong đó 12 cơ sở tẩy nhuộm xả thải từ 1.000- 1.500 m3/ngày đêm, hàm lượng chất rắn lơ lửng, ôxy hóa, sulfua vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 3- 10 lần, hầu hết các chất thải này đều xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Quá trình xử lý các cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở đây đã kéo dài suốt 5 năm mà vẫn chưa có hồi kết.
   
  Đứng trước tình trạng này, ngày 11/6/2012 UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 1121/ QĐ-UBND phân bổ 10 tỷ đồng cho dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Thái Phương từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia - UBND huyện Hưng Hà làm chủ đầu tư. Ngày 16/01/2013, UBND tỉnh tiếp tục phân bổ tiếp 10 tỷ đồng.
   
Diện tích nằm sau cụm công nghiệp được  quy hoạch xây dựng nhà máy
    
   
  Theo báo cáo, Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phương La, xã Thái Phương nằm trên diện tích 39.935 mét vuông với tổng mức đầu tư 76.902 tỷ đồng. Nguồn vốn triển khai xây dựng được trích từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Nguồn vốn được phân bổ từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 nhưng cho tới thời điểm này, tính đến tháng 9/2013 UBND huyện Hưng Hà mới thông báo thu hồi đất nông nghiệp tại hai thôn Phương La 3 và thôn Xuân La. Đồng thời tiến hành họp với các đoàn thể, nhân dân tại các thôn phương án bồi thường. Hiện tại, chủ đầu tư đã lập xong thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục xây dựng công trình (phần việc này UBND huyện hợp đồng với Công ty cổ phần MOPHA – Hà Nội thực hiện). Hiện huyện Hưng Hà cũng mới tiến hành gửi hồ sơ cho Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản – Sở Xây dựng Thái Bình thực hiện thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục công trình theo dự án phê duyệt... Đối với hạng mục công trình hệ thống cấp điện như: xây dựng đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp, điện chiếu sáng công cộng... đang trình Sở Công thương thẩm định thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán. Dự kiến tới tháng 11/ 2013 mới tiến hành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và trình UBND tỉnh phê duyệt và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo quy định. Tháng 12/2013 mới tiến hành bàn giao mặt bằng và tiến hành thi công.
   
Quẩn quanh chuyện... vị trí
   
  Có kế hoạch triển khai từ đầu năm 2012, dự kiến tháng 7/2013 hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh nhưng cho tới nay đã gần hai năm, những hạng mục của dự án vẫn “nằm”... chờ phê duyệt. Lý giải về điều này, nguyên nhân được cho là việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình, công nghệ xử lý nước thải và công tác giải phóng mặt bằng. Theo ông Trần Bá Cao, Phó Chủ tịch xã Thái Phương, khó khăn lớn nhất của chính quyền xã hiện nay là tìm địa điểm xây dựng công trình cho phù hợp. Xã đã tiến hành họp dân và đưa ra hai phương án nhưng cho đến nay, các ý kiến vẫn chưa đồng nhất.
   
  Phương án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ban đầu dự kiến được đặt tại đầu xã Thái Phương giáp ranh với xã Minh Tân nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của chính quyền xã bạn và nhân dân các thôn không nghề dệt. Người dân Minh Tân và các thôn bên cạnh Phương La cho rằng khi nhà máy đi vào hoạt động nước thải sau khi xử lý vẫn sẽ gây ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường sống. Phương án này còn không nhận được sự đồng tình của các công ty và chủ cơ sở sản xuất bởi họ cho rằng việc nhà máy xử lý nước thải và dây chuyền sản xuất ở cách xa nhau sẽ dẫn đến tình trạng “đầu một nơi, đuôi một nẻo” gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phương án thứ hai là, xây dựng nhà máy ngay trên phần đất đằng sau cụm công nghiệp hiện tại. Đây là diện tích nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp làng nghề trong tương lai rộng hơn 10ha. Theo ông Cao, diện tích đất ruộng này bị “nhiễm độc” do ảnh hưởng của làng nghề từ nhiều năm nay, lúa luôn trong tình trạng “trẻ mãi không già”. Vùng đất này trũng thấp thường xuyên ngập nước, xung quanh không có hệ thống sông lớn để xả nước đã qua xử lý. Nằm giáp ranh chỉ có một con sông nhỏ chạy bao quanh xã thì từ nhiều năm nay đã trở thành “dòng sông chết” bởi độc tố của làng nghề thải ra. Nếu muốn xây dựng nhà máy tại khu vực này thì buộc phải đào một hệ thống thủy lợi qua ba xã Thái Phương, Minh Tân và Độc Lập để nước chảy ra sông Hồng. Bên cạnh đó nằm mép ngoài của vị trí này còn có một di tích lịch sử. Chính vì vậy, UBND xã chưa có được quyết định cuối cùng.
   
Rác thải của làng nghề chưa qua xử lý được xả trôi trên sông.
    
   
  Theo lý giải của ông Cao thì đích thân chủ tịch UBND xã Thái Phương đã lên hệ thống phát thanh của xã giải thích vận động bà con nhưng tới nay 54 hộ dân có diện tích nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp vẫn chưa nhất trí di dời. Rào cản về thủ tục hành chính liên quan tới chuyển đổi quyền và mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp cũng là một vướng mắc cần tháo gỡ.
   
  Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, ông Trần Văn Bảy, giám đốc Công ty Dệt may Lương Ngọc, một doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp cho rằng: “bài toán” thực sự không phải khó có “lời giải” như hiện nay. Bản thân các doanh nghiệp cũng rất muốn có một nhà máy xử lý nước thải.  Lúc đó, công ty sẽ yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư, cạnh tranh công bằng về giá thành với các sản phẩm của địa phương khác, sẽ không còn cảnh” nay đây mai đó sản xuất theo kiểu “liều mình như chẳng có” đối phó với các cơ quan chức năng. Cũng theo ông Bảy, việc xây dựng nhà máy ngay trong làng nghề là phương án thích hợp bởi doanh nghiệp không mất chi phí vận chuyển và vận hành dây chuyền. Hơn nữa, nằm sát ngay vị trí này, đang có một con đường lớn nằm trong tuyến đường cao tốc nối Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, vậy tại sao chúng ta không xây “kèm” hệ thống xử lý nước thải chạy song song với con đường? Như vậy vừa đỡ được diện tích giải phóng và đường ống không phải đi “nhờ” qua các thôn khác mà cũng không cần khơi sông thoát nước thải. Mong mỏi của doanh nghiệp là các cơ quan chức năng tạo một “cơ chế” thoáng về mặt pháp lý còn bản thân các doanh nghiệp từ khi thành lập cụm công nghiệp tới nay đã sẵn sàng tự đầu tư chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo lý giải của doanh nghiệp này, phải chăng chính quyền sở tại và người dân chưa thực sự “chung một tấm lòng” trong việc tìm vị trí xây dựng hay còn một “nguyên nhân ngầm” nào khác từ phía địa phương?
   
  Nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường vốn phải chắt chiu từ rất nhiều nguồn khác nhau. Lẽ ra, khi nhận được nguồn vốn này, địa phương nơi tiếp nhận phải khẩn trương vào cuộc để sử dụng đồng vốn có hiệu quả, thì nay, việc triển khai dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng dệt nhuộm Phương La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đang khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực cũng như sự minh bạch của các cấp chính quyền khi thực hiện dự án?!
   
  Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này!
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm khắc phục “điểm đen” ô nhiễm ở “làng tỷ phú”: Vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO