Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều hư hỏng: Sắp có kết luận thanh tra

03/03/2019 13:19

(TN&MT) - Đoàn thanh tra đột xuất về công tác quản lý, thực hiện, khai thác tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có chức năng khác xử lý nghiêm đối với vi phạm (nếu có) của các cá nhân, tập thể.

Một số vị trí đầu cầu xảy ra tình trạng lún nứt ngay vị trí tiếp giáp giữa cầu và đường
Một số vị trí đầu cầu xảy ra tình trạng lún nứt ngay vị trí tiếp giáp giữa cầu và đường

Bộ GTVT vừa có Công văn số 1600/BGTVT-VT phản hồi nhiều ý kiến của cử tri về sự bức xúc trước chất lượng của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh trong thời gian qua.

Theo Bộ GTVT, sau 14 tháng đưa vào khai thác, tại đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65) đã xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường với diện tích hư hỏng (ổ gà tại lớp bê tông nhựa tạo nhám) khoảng 70m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường; một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái ta luy bị xói lở do nhà thầu chưa hoàn thiện công tác trồng cỏ và gia cố mái bằng đá hộc xây vữa xi măng. Các hư hỏng này trách nhiệm bảo hành của nhà thầu theo quy định của hợp đồng. Đến nay, các hư hỏng, khiếm khuyết tại dự án đã được khắc phục, chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam VEC đang tiếp tục theo dõi để yêu cầu các nhà thầu xử lý bổ sung ở các trường hợp cần thiết.

Trong quá trình thi công dự án, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Tư vấn kiểm định độc lập đã tiến hành nhiều công tác kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh về chất lượng thi công công trình.

Hiện tượng xe chạy cuốn nước trên đường cao tốc do mặt đường không đảm bảo thoát nước tốt, rất nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông
Hiện tượng xe chạy cuốn nước trên đường cao tốc do mặt đường không đảm bảo thoát nước tốt, rất nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho phương tiện tham gia giao thông

Bộ GTVT cũng cho rằng, dự án cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của 3 đoàn thanh tra, kiểm toán. Đó là, Thanh tra Bộ Kế hoạch đầu tư (năm 2015), Thanh tra Bộ GTVT (năm 2016 - năm 2017) và Kiểm toán nhà nước (năm 2017).

Cùng với đó, Bộ GTVT đã 2 lần thanh tra đột xuất đối với dự án. Cụ thể vào năm 2015 đối với gói thầu A5 và sau khi báo chí phản ánh về những hư hỏng (ổ gà, bong tróc ...) tại dự án vào tháng 10/2018. Hiện nay, Đoàn thanh tra đột xuất dự án đang hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý nghiêm đối với vi phạm (nếu có) của các cá nhân, tập thể liên quan theo quy định.

Được biết, liên quan đến các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi này, VEC đã tiến hành: Đình chỉ công tác Giám đốc ban Quản lý dự án; Cảnh cáo 4 đơn vị gồm: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4, Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6, Ban Quản lý dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS); Cảnh cáo Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6, cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công), cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công), Phó Giám đốc kiêm đội trưởng đội vận hành và bảo trì ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VECS).

Tuyến cao tốc sau khi đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuất hiện nhiều ổ gà khiến dư luận bức xúc
Tuyến cao tốc sau khi đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuất hiện nhiều ổ gà khiến dư luận bức xúc

Trước đó, như báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần phản ánh, dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC - thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 139,2km, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2013 với số vốn 34.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các hạng mục trên tuyến chính, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác theo quy định, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65) sử dụng vốn vay JICA thông xe đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017, đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (Km65 - Km139+204) sử dụng vốn vay WB thông xe đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65) liên tục xảy ra hư hỏng, bong tróc, ổ gà... ở mặt đường. Tiếp đến, nhiều cầu cống, hầm chui trên suốt cả cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đồng loạt hư hỏng (dột, thấm nước, nứt...). Sự việc đã khiến dư luận vô cùng thất vọng, bức xúc.

Đến nay, còn nhiều đoạn mái taluy dương vẫn tiềm ẩn nguy cơ đá rơi
Đến nay, còn nhiều đoạn mái taluy dương vẫn tiềm ẩn nguy cơ đá rơi

Nhiều cử tri cho rằng, cần phải xác định, làm rõ chất lượng thực của tuyến cao tốc có đảm bảo được chất lượng theo thiết kế không? Không phải vấn đề hư hỏng là trách nhiệm phải sửa chữa của nhà bảo hành, khắc phục xong là cho qua được. Phải xác định nguyên nhân, vì sao tuyến đường cấp cao mà sau khi đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì lại xuất hiện nhiều hiện tượng hư hỏng như vậy?. Lúc cấp thẩm quyền phê duyệt kinh phí dự án trên cơ sở thiết kế đúng tiêu chuẩn thì không lý do gì chấm thuận một tuyến cao tốc đang hoài nghi về chất lượng có vấn đề mà vẫn được nghiệm thu đưa vào khai thác?.

Một số chuyên gia đầu ngành thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho dư luận. Không hiểu tạo sao trên cùng một tuyến cao tốc với chiều dài 139,2km chạy qua địa phận 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, về điều kiện thời tiết và khí hậu khu vực này như nhau, vì sao dự án được phân ra 3 gói thiết kế với 3 loại kết cấu mặt đường khác nhau?.

Đội ngũ kỹ sư cho sử dụng vật liệu vá đường một đằng, áp dụng phương pháp một nẻo, bong lên thì cho vá lại
Đội ngũ kỹ sư cho sử dụng vật liệu vá đường một đằng, áp dụng phương pháp một nẻo, bong lên thì cho vá lại

Cũng theo vị chuyên gia này, qua nhiều lần đi trên cao tốc trong lúc thời tiết có mưa vừa, và có lúc đã hết mưa nhưng hiện tượng mặt đường không thoát nước kịp đã dẫn đến lượng nước cuốn dưới gầm xe, tạo nên sương mù mịt, che khuấn tầm nhìn các xe chạy phía sau. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, mặt đường thoát nước không kịp, dẫn đến độ ma sát giữa mặt đường với bánh xe sẽ không đảm bảo khi xe chạy với tốc độ lên đến 120km/h. Về tồn tại này, không biết nhà quản lý, nhà bảo hành có báo cáo lên Bộ GTVT để xin ý kiến hướng khắc phục như thế nào chưa?.

Như các chuyên gia đánh giá sơ bộ là chất lượng tuyến cao tốc này có vấn đề?. Nếu chất lượng tuyến cao tốc có vấn đề thì trách nhiệm của nhà quản lý, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công… và cuối cùng là vì sao vẫn được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác theo quy định?.

“Muốn kiểm tra đánh giá tổng thể về tuyến cao tốc này thì cơ quan thẩm quyền phải tổ chức mời một đơn vị Tư vấn kiểm định độc lập là đơn vị nước ngoài phúc tra lại toàn diện. Đầu tiên phải kiểm tra lại bước thiết kế, sau đó đến thi công, lôi hết tất cả các hồ sơ nghiệm thu, kết quả thí nghiệm từng giai đoạn nghiệm thu và cho khoan lấy mẫu thí nghiệm lại đúng ngay lý trình đó, đem đối chiếu thì ra vấn đề ngày. Sau khi có kết quả thì mới xem lại trách nhiệm thuộc về ai. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi”- Vị chuyên gia này thở dài tâm sự với chúng tôi.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều hư hỏng: Sắp có kết luận thanh tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO