Phát hiện 659 vụ/426 đối tượng
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, có 14/20 địa phương đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép và tập kết kinh doanh cát trái phép. Tổng số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng, tịch thu 4.685 m2 cát, 73 ghe thuyền, 2 ôtô, 1 máy xúc, khởi tố 2 vụ về hành vi khai thác cát trái phép.
Theo Bộ Công an, các đơn vị có Giấy phép khai thác khoáng sản lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự thiếu kiểm tra giám sát, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng để khai thác ngoài diện tích, vượt độ sâu dẫn đến sạt lở bờ sông, gây sạt lở đất canh tác, biến đổi dòng chảy, thất thoát tài nguyên, an toàn đê điều, mất an ninh trật tự trên địa bàn... Tình trạng này đã được các cơ quan báo chí phản ánh và đơn thư tố giác tội phạm của nhân dân gửi đến các ban ngành từ địa phương đến Trung ương.
Tại một số địa bàn phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép, tập kết bến bãi thường là những nơi mà chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất bãi nhưng sử dụng sai mục đích để tập kết bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan cấp trên trong việc xử lý hoạt động khai thác cát trái phép nên khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý bàn giao lại cho các địa phương, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng khai thác cát trái phép lại bùng phát trở lại.
Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra tại các địa phương, kết quả cho thấy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua, đó là công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng khai thác cát sỏi trái phép bùng phát trở lại cần phải nói đến là nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi buông lỏng trách nhiệm, thậm chí, dung túng cho hoạt động khai thác trái phép...
Chung sức chống "cát tặc"
Bộ TN&MT cho biết, thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu tại Thông báo số 325/TB-VPCP và Văn bản số 642/VPCP-NC nêu trên của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, UBND cấp tỉnh "Thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khơi thông luồng thuộc thẩm quyền; kiên quyết đình chỉ các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát, không thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế, thời gian nạo vét. Chủ tịch UBND cấp tỉnh liên quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép".
Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP nêu trên, trình Chính phủ trong tháng 10/2019.
Các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giám sát các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó, có cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản do nhà thầu cung cấp. Việc xác nhận khối lượng, quyết toán các dự án xây dựng công trình có sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó, có cát, sỏi chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán đối với phần khối lượng khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp được sử dụng trong các dự án xây dựng công trình. Đối với các dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, dòng chảy có thu hồi cát, sỏi, chỉ thanh toán khối lượng đã đăng ký khối lượng thu hồi theo quy định.
Về lâu dài nguồn cát, sỏi sẽ dần cạn kiệt, Bộ Xây dựng rà soát, xác định cân đối cung - cầu cát, sỏi xây dựng và cát san lấp trong nước, đề xuất giải pháp sử dụng các vật liệu thay thế cát, sỏi tự nhiên và khắc phục tình trạng thiếu hụt về vật liệu xây dựng hiện nay cũng như trong thời gian tới;
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương.
Qua 2 đợt cao điểm đấu tranh xử lý tội phạm của công an các tỉnh trong cả nước đã kiểm tra 13.610 vụ/4.286 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết cát và an toàn giao thông đường thuỷ, tuy nhiên mới xử lý hình sự có 7 vụ/7 bị can về hành vi "vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên" theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, tịch thu 142 tàu hút cát và 800 công cụ, phương tiện khai thác cát trái phép, tổng số tiền xử phạt 69,6 tỷ đồng. |