Cao Bằng: Tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm từ những quán giải khát vỉa hè

24/06/2019 17:36

(TN&MT) - Đang giữa mùa hè, thời tiết khắc nghiệt, trời nóng như đổ lửa, nhu cầu giải khát, ẩm thực vỉa hè đường phố của người dân, nhất là giới trẻ tăng mạnh. Với tiện ích rẻ, nhanh, giúp thỏa mãn cơn khát trong những ngày nắng nóng thì các quán nước giải khát vỉa hè đã thực sự là lựa chọn hàng đầu của những thực khách dễ tính. Thế nhưng, điều đáng nói là những loại nước uống ở đây có thực sự đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Nước uống, món ăn đường phố, vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Đừng để “tiền mất tật mang”

Thành phố Cao Bằng là một địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, vì vậy thời gian qua nhiều hàng quán giải khát vỉa hè với đa dạng các mặt hàng như: trà đá, nhân trần, nước mía, nước ép trái cây đua nhau mọc như “nấm sau mưa” để đáp ứng nhu cầu “giải nhiệt” mùa hè của nhiều người. Theo ghi nhận của phóng viên, để kinh doanh giải khát vỉa hè, chủ quán không quá cầu kỳ về hình thức quán, họ thường tận dụng những khu vực có vỉa hè rộng, đông người qua lại cùng với một vài vật dụng đơn giản như: vài chiếc bàn, ghế nhựa, máy ép nước mía di động và một số lon nước ngọt là có thể trở thành một hàng quán giải khát lý tưởng cho những thực khách dễ tính. Trong số các loại nước giải khát được bày bán ở các vỉa hè, nước mía là loại đồ uống đã và đang được nhiều thực khách lựa chọn bởi không chỉ bổ dưỡng, dễ uống mà còn có thể làm dịu ngay cơn khát giữa cái nóng oi bức, mà giá cả cũng bình dân, chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng/cốc. Tuy nhiên, với cách thức chế biến của một số hàng nước mía vỉa hè “siêu sạch” hiện nay thì nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe con người không phải là không có căn cứ.

IMG 7862
Một số quán nước giải khát vỉa hè mọc lên như “nấm sau mưa” phục vụ nhu cầu của khách hàng trong những ngày nắng nóng

Giữa tiết trời oi ả, nóng bức của mùa hè, ghé vào một quán giải khát vỉa hè trên tuyến phố Kim Đồng (Thành phố Cao Bằng), phóng viên ghi nhận được không khí ra vào tấp nập của những thực khách tới quán. Chỉ cần một cốc trà đá, nhân trần hay nước mía ép là đã có thể giúp thực khách vừa trò chuyện, vừa thỏa mãn được cơn khát trong những ngày nắng nóng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các thực khách sử dụng đồ uống giải khát đều không mấy để ý, ít quan tâm đến khâu chế biến của những chủ quán. Theo quan sát tại thời điểm chúng tôi có mặt tại quán, cô chủ quán trên gương mặt lấm tấm mồ hôi, dùng tay trần bào, róc vỏ mía mà phần thân và gốc mía vẫn bám đầy bụi, bẩn. Sau khi róc vỏ xong, không cần rửa tay, cô chặt từng khúc mía rồi cho vào xô nhựa đã được để sẵn cạnh máy ép nước mía. Khi có khách vào quán, chủ quán này tiếp tục bằng tay trần cầm khúc mía đã được róc sẵn cho vào máy ép, cán ra nước, sau đó đổ phần nước mía vừa ép vào cốc, bốc vài viên đá, đem cho khách uống. Mía ép xong, bã được vứt bừa bãi ngay phía trước chân máy ép, mặc cho ruồi nhặng bâu quanh. Vô tư thưởng thức cốc nước mía mát lạnh với vẻ mặt sảng khoái, anh Nguyễn Thế Anh, phường Hợp Giang (Thành phố Cao Bằng) cho biết: “Cứ cuối buổi chiều, chúng tôi thường hay tụ tập tại quán nước mía để vừa cùng nhau uống nước, vừa trò chuyện, chia sẻ công việc hàng ngày. Mỗi cốc nước mía ở đây giá cả cũng phải chăng, tiện lợi, đặc biệt là thỏa mãn cơn khát trong mùa hè này”. Khảo sát thêm một số ý kiến của những thực khách xung quanh về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số quán giải khát vỉa hè, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời như: “Người ta uống được thì mình cũng uống được” hay “Lâu lâu mới uống một lần, chắc không có vấn đề gì”... Cùng với nước uống, các loại đá cây, đá pha lê là một trong những thứ rất quan trọng để làm nước giải khát mát lạnh, giúp thực khách giải tỏa cơn khát. Tuy nhiên, thực tế thì các quán giải khát vỉa hè chủ yếu đều sử dụng đá cây, loại đá chuyên dùng để ướp thực phẩm. Điều đáng nói, người tiêu dùng không thể biết được loại đá này làm từ nguồn nước có đảm bảo vệ sinh hay không, vì vậy nguy cơ mất vệ sinh là rất cao.

Người tiêu dùng cần bảo vệ sức khỏe

Những quán giải khát vỉa hè do vốn đầu tư ban đầu ít, các thủ tục kinh doanh không quá cầu kỳ, phức tạp. Do vậy, các hàng nước giải khát, nước mía vỉa hè, nước ép hoa quả đang mọc lên ngày càng nhiều. Theo một chủ quán kinh doanh nước giải khát vỉa hè ở phố Kim Đồng (Thành phố Cao Bằng) chia sẻ: “Để mở một quán nước giải khát vỉa hè thì cũng không quá khó, chỉ cần đăng ký thuê vỉa hè với phường, họ cho thì mình bán, bao giờ cấm vỉa hè thì mình lại nghỉ. Cùng với đó, vốn đầu tư ban đầu cần khoảng hơn 10 triệu đồng để mua một số bàn, ghế nhựa, cốc và máy ép nước mía. Với mức đầu tư ban đầu ít, nếu quán đông khách thì chỉ sau hơn một tháng là tôi có thể thu hồi cả vốn lẫn lãi. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 - 300 nghìn đồng”.

Bà chủ quán tên Bình, bán nước giải khát vỉa hè trên phố Xuân Trường (Thành phố Cao Bằng) cho biết: “Bên cạnh các loại nước giải khát tự pha như: trà đá, nhân trần, nước sấu, thì các loại nước ngọt đóng chai, đóng lon cũng là mặt hàng được nhiều khách hàng khi đến quán lựa chọn. Bước vào mùa hè nắng nóng, trung bình mỗi ngày quán tôi bán được vài trăm cốc trà đá, nhân trần và nhiều loại nước uống có ga khác”.

Vẫn biết rằng thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát của người dân sẽ tăng đột biến, tuy nhiên, theo ghi nhận thì hầu hết các thực khách “dễ tính” khi sử dụng loại nước uống đóng chai, đóng lon đều không để ý đến chất lượng của sản phẩm, hàng còn hạn sử dụng hay không. Trên thị trường hiện nay, bên cạnh những sản phẩm nước giải khát đóng chai, đóng lon cũng xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu sử dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, trước khi mua để sử dụng bất kỳ loại nước uống đóng lon, đóng chai nào thì người tiêu dùng cần phải lựa chọn kỹ, để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không còn hạn sử dụng…

Thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè khiến nhu cầu sử dụng nước giải khát vỉa hè của người dân tăng cao. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát về vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hàng nước uống giải khát vỉa hè. Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng “thông thái”, lựa chọn loại nước uống có nguồn gốc, xuất xứ, tem, nhãn mác đầy đủ, nói “không” với những sản phẩm nước giải khát chưa được kiểm định, mất vệ sinh...” và đừng để “tiền mất, tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm từ những quán giải khát vỉa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO