Trong 4 tháng đầu năm 2013, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay 1.716 tỷ đồng, trong đó có đến 1.235 tỷ đồng là vay ngắn hạn, chiếm đến 72% doanh số cho vay. Dư nợ tín dụng không tăng mà thậm chí giảm đến 15 tỷ đồng so với cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,81% lên 1,34% tương đương 31 tỷ đồng (từ 47 tỷ đồng lên 78 tỷ đồng). Dư nợ tín dụng chủ yếu là ở các lĩnh vực Nông lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; riêng lĩnh vực xây dựng cơ bản (nơi tập trung chủ yếu các doanh nghiệp trên địa bàn) có tỷ lệ dư nợ tín dụng chỉ chiếm 12%. Trong 3 ngân hàng thương mại trên địa bàn, đến cuối tháng 5/2013 so với cuối năm 2012 chỉ có Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển có tăng trưởng tín dụng 2,2%, còn lại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tăng trưởng gần như bằng 0 (chỉ tăng 2 tỷ đồng), thậm chí Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam dư nợ tín dụng giảm gần 6% tương đương hơn 23 tỷ đồng.
Ông Linh Đức Hoàng, Giám đốc Chi nhánh AGRIBANK Cao Bằng cho biết: Đến giữa tháng 5/2013, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh được hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 56 tỷ so với cuối năm 2012. Trong đó, tiết kiệm dân cư được 2.880 tỷ đồng, tăng 458 tỷ đồng tương đương 18,5%. Các nguồn tiền gửi khác của doanh nghiệp, cá nhân, Kho bạc nhà nước giảm. Dư nợ tín dụng 2.375 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của các doanh nghiệp, HTX là 1.290 tỷ đồng, giảm 38 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nền kinh tế chưa đến giai đoạn phục hồi, sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp khó khi hàng tồn kho lớn, sức mua của thị trường giảm. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng đã 3 lần thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hiện mức lãi suất cho vay đang phổ biến là 10 - 11%/năm tùy thuộc thời gian cho vay, sự lành mạnh tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, đối với một số doanh nghiệp (chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản) đã được ngân hàng điều chỉnh lại thời gian trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ.
Tuy không gặp tình trạng tăng trưởng tín dụng “âm” hoặc bằng 0 như các ngân hàng khác trên địa bàn khi tổng dư nợ của chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển đến cuối tháng 5/2013 đạt 1.316 tỷ đồng, tăng trưởng 2,2% so với cuối năm 2012 nhưng thực tế so với mọi năm, hoạt động cho vay của BIDV hiện nay cũng đang rất ảm đạm. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng đã chủ động giảm toàn bộ các khoản cho vay trước đó xuống dưới 13%/năm. Đồng thời, triển khai một số dự án cho vay có lãi suất ưu đãi từ 8 - 10%/năm.
Năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã có tới 25 đơn vị, doanh nghiệp giải thể phá sản do hoạt động không có hiệu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp đã nợ đọng khoảng 87 tỷ đồng tiền thuế. Thực trạng nền kinh tế đang hết sức khó khăn do lượng hàng tồn kho lớn, đầu tư lại hết sức rủi ro. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Doanh nghiệp đang mất niềm tin vì không có thị trường. Mặt khác, nhiều đơn vị có nguy cơ phá sản vì khó tiếp cận các nguồn vốn khi ngân hàng ngày càng khắt khe hơn khi thẩm định các dự án vay vốn của doanh nghiệp. Ông Ngọc kiến nghị: Để các doanh nghiệp phát triển bền vững, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh của địa phương như nông, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ; hạn chế chỉ đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản như hiện nay.
Bài & ảnh: Ngọc Minh