Cao Bằng - Nơi lưu giữ câu chuyện của đá

02/05/2018 14:46

(TN&MT) - Giữa tháng 4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao...

(TN&MT) - Giữa tháng 4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC). Với danh hiệu này, nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam. Nhân dịp này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, một trong những người chủ chốt tham gia xây dựng và thẩm định hồ sơ trình UNESCO.
tnmt Cao Bằng Nơi lưu giữ câu chuyện của đá
Tiến sĩ Trần Tân Văn 

PV: Ông có thế cho biết, đâu là giá trị quan trọng để CVĐC Non Nước Cao Bằng chinh phục được danh hiệu CVĐC Toàn cầu?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: Để được công nhận là CVĐCTC của UNESCO, một khu vực không chỉ cần một giá trị quan trọng nào đó, mà phải là một tập hởp rất phong phú, đa dạng các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội, lịch sử, khảo cổ học... trong đó, có một số giá trị địa chất, địa mạo có ý nghĩa quốc tế, tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thế, hài hòa. Non Nước Cao Bằng đã may mắn hội tụ được nhiều giá trị như thế.

Về địa chất, địa mạo, Non Nước Cao Bằng có thế chia ra thành 3 khu vực khá khác biệt: Khu vực đá vôi ở phía Đông, khu vực núi đất ở phía Tây và ở giữa là đồng bằng. Chính đồng bằng rộng lớn, thẳng cánh cò bay được bao quanh bởi núi, đó đã là cơ sở để người xưa đặt tên Cao Bằng cho vùng đất này.

Khu vực đá vôi ở phía Đông chiếm tới hơn 60% diện tích CVĐCTC Non Nước Cao Bằng và ở đây đã tập hợp một cách đặc sắc nhất, điển hình nhất, đầy đủ nhất nhưng đặc điểm của một chu trình tiến hóa karst nhiệt đới nóng ẩm hoàn chỉnh, từ địa hình đá vôi dạng dãy của giai đoạn sơ khai, địa hình đá vôi dạng chóp nón bao quanh các lũng tròn, sâu, kín của giai đoạn trẻ, đến địa hình đá vôi dạng tháp rải rác trên những thung lũng mở, dài rộng, bằng phẳng, phong phú cả đất lẫn nước của giai đoạn trưởng thành, và cuối cùng là địa hình dạng tàn dư với các tháp đá vôi kể trên đang dần dần tiêu biến thành nhưng chỏm sót nhỏ trên cánh đồng karst với nhiều sống, suối, hồ nước...

Trong khi CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với địa hình karst chủ yếu ở giai đoạn sơ khai và nón trẻ thì ngược lại Non Nước Cao Bằng lại nổi tiếng chủ yếu với địa hình karst ở giai đoạn trưởng thành và tàn dư. Chính vì vậy, Non Nước Cao Bằng đã nổi tiếng từ lâu với thác Bản Giốc - thác đẹp và lớn thứ từ trên thế giới ở biên giới giữa 2 quốc gia, quần thể hồ - sông - hang ngầm Thang Hen khi đầy khi vơi. Cũng chính vì vậy, Non Nước Cao Bằng còn được mệnh danh là “xứ xở của các hang động”, cả hang khô lẫn hang ướt, trong đó, có rất nhiều hang động đẹp, kỳ vỹ, như: Ngườm Ngao, hang Dơi, Ngườm Pục, Ngườm Khuổi Khua, động Kỳ Rằng... “Mắt thần núi” nổi tiếng cũng là dấu tích của một đoạn hang khô đã được nâng lên sau này.
 
tnmt 2 Cao Bằng Nơi lưu giữ câu chuyện của đá


Khu vực phía Tây với chủ yếu là địa hình núi đất sẽ khiến người ta cảm thấy khác biệt nếu đã hơi quá quen với địa hình đá vôi. Gọi là là địa hình núi đất cho đơn giản nhưng thực tế khu vực này có cả các loại đá trầm tích cát kết, bột kết, sét kết lẫn ít đá vôi và đặc biệt có khá nhiều đá mác-ma (nó hơi giống với dung nham núi lửa sau khi nguội lạnh). Chính đỉnh Phia Oắc cao gần 2.000m, cao nhất CVĐC Non Nước Cao Bằng, được cấu tạo từ loại đá này. Các loại đá kể trên, dưới tác động của các quá trình rửa trôi, xói mòn, đã tạo nên ở khu vực phía Tây những địa hình núi đất mềm mại, khá thoải, khác hẳn với địa hình đá vôi gồ ghề, hiểm trở ở khu vực phía Đông. Và chính tương tác giữa các loại đá này đã sản sinh ra ở khu vực Phia Oắc - Phia Đén rất nhiều loại hình khoáng sản, như: Vàng, thiếc, vonfram, fluorit, ura- nium... Chính là từ quặng uranium khai thác được ở đây mà năm 1898 nữ bác học Marie Curie đã phát hiện ra hai nguyên tố phóng xạ mới là Polonium và Radium.

Ngoài nhưng giá trị đặc sắc về địa chất, địa mạo, CVĐC Non Nước Cao Bằng còn nổi tiếng không kém về những giá trị khác. Chẳng hạn về đa dạng sinh học, Non Nước Cao Bằng nổi tiếng với loại vượn Cao Vít ở Trùng Khánh - một loại linh trưởng đặc biệt quý hiếm chỉ có ở khu vực này và tưởng chừng như đã tuyệt chúng từ những năm 1950, hay các loại rừng rêu, rừng lùn trên đỉnh Phia Oắc...  Non Nước Cao Bằng đăc biệt giàu có và phong phú các giá trị di sản văn hoá. Khu vực này đã từng là cái nôi của người tiền sử từ hơn 20.000 năm trước, là nơi đóng đô của một số vương triều, như nhà nước Nam Cương với hai cha con Thục Chế - Thục Phán của người Âu Việt từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nhà nước Trường Sinh - Đại Lịch của hai cha con Nùng Tồn Phúc - Nùng Trí Cao ở khoảng cuối thế kỷ thứ 10 - đầu thế kỷ 11, hay của vương triều Mạc khoảng thế kỷ 16 - 17. Đăc biệt, Non Nước Cao Bằng còn hàng trăm di tích lịch sử, khảo cổ học, văn hóa khác đã được công nhận ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu nói đến Non Nước Cao Bằng mà không nhấn mạnh rằng đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc ít người, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông..., nổi tiếng với các phong tục, tập quán, lễ hội, nghề thủ công, ẩm thực... đậm đà bản sắc.

PV: Là người tham gia xây dựng cũng như thẩm định hồ sơ CVĐC Non Nước Cao Bằng, xin ông cho biết, trong quá trình thẩm định có gì thuận lợi, khó khăn?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: Quá trình hình thành CVĐCTC cũng như xây dựng hồ sơ trình UNESCO và thẩm định hồ sơ diễn ra rất khẩn trương và chúng ta có may mắn là có sự đồng lòng, nhất trí rất cao của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cũng như đông đảo công đồng địa phương. Có một Ban Quản lý trẻ, năng động, nhiệt huyết và rất có năng lực; có sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao, ngày từ những thời điểm đầu tiên cho đến những giây phút được gõ búa công nhận, của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; có sự tham gia của đông đủ các nhà khoa học, lúc bận rộn nhất lên đến hơn 50 người; và có sự tư vấn hết sức có hiệu quả của các chuyên gia quốc tế; Lãnh đạo Bộ TN&MT, KH&CN cũng rất quan tâm, động viên kịp thời...

Khó khăn rất nhiều có những lúc tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Bây giờ, chúng ta đang tập trung vào giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài. Đạt được danh hiệu đã khó, giữ và phát huy được lại còn khó hơn. Chỉ 4 năm nữa, sẽ lại diễn ra tái thẩm định và một loạt kiến nghị, khuyến cáo của UNESCO đối với Non Nước Cao Bằng sẽ phải được lưu ý giải quyết, chẳng hạn như vấn đề lập và triển khai kế hoạch quản lý, khoanh vùng bảo vệ di sản, phát huy giá trị di sản, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhân thức cộng đồng... Công việc rất bề bộn và Cao Bằng có thế nói là sẽ không được phép “ngủ quên”. Danh hiệu CVĐCTC UNESCO là thế, nó buộc người ta phải liên tục vận động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đóng góp ngày càng đáng kể hơn vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh cũng như của cả nước.

PV: Một trong những nét đặc sắc của CVĐC Cao Bằng là khu vực này còn có tính đa dạng rất cao về thành phần và kiểu loại đá, khoáng vật, khoáng sản, nhiều kiểu loại không có mặt ở CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Ông có thể nói rõ hơn về sự thú vị này?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: Việc Non Nước Cao Bằng được công nhận là CVĐCTC của UNESCO đã chứng tỏ rằng nó có những nét đặc sắc riêng, cũng xứng đáng để trở thành một CVĐCTC như Cao nguyên đá Đồng Văn, mặc dù hai khu vực này nằm khá gần nhau và nhìn sơ qua thì tưởng chừng cũng giống như Cao nguyên đá Đồng Văn vì phần lớn diện tích cũng là đá vôi. Thực tế, ngày từ khi thông báo cho UNESCO về việc thành lập CVĐC Non Nước Cao Bằng và bày tỏ nguyện vọng trình hồ sơ xét công nhận là CVĐCTC, UNESCO đã yêu cầu là phải thể hiện được sự khác biệt đáng kể giữa 2 khu vực và chúng ta đã làm được điều đó.

Có rất nhiều khác biệt, nếu nhìn một cách tổng thể, trong khi Cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện một vẻ đẹp mạnh mẽ, hùng vỹ, dữ dội, choáng ngợp rất “nam tính”, Non Nước Cao Bằng lại đẻm lại cho chúng ta một cảm giác thoải mái, dịu dàng, xanh mướt, bình yên, tóm lại là rất “nữ tính”. Hai khu vực rất khác biệt nhưng đông thời cũng lại bổ sung cho nhau một cách hoàn chỉnh, làm thành một căp đôi không thể thiếu, không thể tách rời. Và nếu cũng nhìn một cách tổng thể thì hai khu vực này cũng lại khá giống nhau ở chỗ chúng đều là những vùng đất thuộc loại “địa linh - nhân kiệt”, đều rất giàu có, phong phú, đa dạng các giá trị di sản.

PV: Là một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành điạ chất, theo ông, ở Việt Nam còn có nhưng địa danh nào có tiềm năng cũng như hội tụ đủ tiêu chuẩn của một CVĐCTC?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: Những năm 2007 - 2010, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã được Bộ KH&CN cấp kinh phí triển khai một Đề tài cấp Nhà nước về tiềm năng di sản địa chất và CVĐC ở miền Bắc Việt Nam. Sau đó, Bộ TN&MT cũng giao Viện thưc hiện một số Đề tài nghiên cứu khóa học cấp Bộ và một số địa phương đã chủ động tiến hành công tác điều tra, nghiên cứu về chủ đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyểt định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/9/2014 phê duyệt Đề àn “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì thực hiện. Một vài đơn vị khác cũng triển khai một số hoạt động tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.

Theo kết quả điều tra, đánh giá ban đầu, ở Việt Nam có thể thành lập khoảng 25 - 30 CVĐC quốc gia và khoảng một chục trong số đó có triển vọng được công nhận là CVĐCTC của UNESCO. Hiện nay, một số địa phương như: Quảng Ngãi, Đăk Nông, Gia Lại... đã đang đi nhưng bước đi đầu tiên trong việc thành lập CVĐC. Một số địa phương khác như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La hay Quảng Nam... cũng đãng bày tỏ sự quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế - xã hội rất mới mẻ và tiến bộ này. Hy vọng trong một vài năm tới Việt Nam sẽ có thêm CVĐCTC thứ 2, thứ 3... được UNESCO công nhận.

PV: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng - Nơi lưu giữ câu chuyện của đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO