Cao Bằng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt

16/06/2019 11:00

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất ở tỉnh Cao Bằng khiến công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống người dân gặp khó khăn. Hiện trạng này đang đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của địa phương cùng các cơ quan chức năng để sớm có giải pháp phù hợp.

09271e56ebe42f0dbb028b6bd6acb133
Gia đình anh Ðặng Quầy Mình, xóm Ngàm Vạng, xã Yên Sơn, huyện Thông Nông (Cao Bằng) thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt

Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Nông Quốc Khôi cho biết, toàn tỉnh có gần tám nghìn hộ cần được hỗ trợ về đất sản xuất và đất ở, trong đó, có gần bảy nghìn hộ cần được hỗ trợ về đất sản xuất và gần 23 nghìn hộ cần được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt. Tổng số kinh phí cần hỗ trợ hơn 457 tỷ đồng.

Huyện Thông Nông còn 247 hộ thiếu đất sản xuất và 121 hộ thiếu nước sinh hoạt. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Văn Vui, xã Yên Sơn và một số xóm của xã Vị Quang trong mùa khô người dân thiếu nước trầm trọng. Huyện đang đề xuất xây hồ “treo” (hồ lộ thiên chứa nước) tại hai địa phương này, nhưng thiếu kinh phí. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Lục Văn Ðức cho biết, do địa hình núi đá, ít đất sản xuất, lại thiếu nước cho nên khó phát triển trồng trọt, chăn nuôi nâng cao thu nhập. Ðến nay, xã Yên Sơn còn 182 trong tổng số 232 hộ nghèo, bằng 78,4%; trong xã có 121 hộ thiếu đất sản xuất, 133 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Gia đình anh Ðặng Quầy Mình, dân tộc Dao, ở xóm Ngàm Vạng, xã Yên Sơn là hộ nghèo, đầu năm 2018, ngay khi có tiền bán lợn, anh đã đầu tư 2,7 triệu đồng mua 900 m đường ống nước để đưa nước sinh hoạt từ mỏ nước (cách hơn 1 km) về nhà, đỡ phải vất vả gánh nước. Nhưng đường ống nước chỉ dẫn được nước trong mùa mưa. Còn trong mùa khô, mực nước trong mỏ xuống thấp, anh Mình phải đi gánh nước, từ khu vực lòng chảo nơi gia đình ở, ngược lên đỉnh núi, rồi mới đến mỏ nước, mất khoảng một giờ đồng hồ mới được một gánh nước về nhà. Gia đình có vài nghìn mét vuông đất trồng ngô, năm nào bị sâu bệnh, khô hạn thì không đủ ăn, phải trông chờ được hỗ trợ gạo cứu đói. Anh Ðặng Quầy Mình bộc bạch, mong muốn được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch, hỗ trợ đất sản xuất để gia đình đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo.

Thực hiện Quyết định 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt đề án đầu tư giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân, tổng kinh phí dự kiến 457 tỷ đồng. Ðến nay, đã được trung ương cấp 4 tỷ 260 triệu đồng. Số kinh phí này được tỉnh phân bổ để đầu tư giải quyết một phần nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân; vấn đề đất sản xuất, vẫn chưa có kinh phí để thực hiện.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng kiến nghị, để hoàn thành mục tiêu chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành trung ương cân đối bố trí đủ nguồn vốn để tỉnh chủ động, sớm triển khai, hoàn thành giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, giúp người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO