Cao Bằng: Doanh nghiệp khai thác vàng ở Bảo Lâm gây ô nhiễm nguồn nước

09/12/2016 00:00

(TN&MT) - Hiện nay trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đang có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng tại xã Nam Quang và Tân Việt. Điều đáng nói là các doanh nghiệp này không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xả thằng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương.

Theo các cán bộ xã Nam Cao, chúng tôi đến kiểm tra suối Nặm Đang, nguồn nước chủ yếu cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 50 hộ dân xóm Nặm Đang, xã Nam Cao (Bảo Lâm). Con suối này bắt nguồn từ xóm Thẳm Siểm, xã Nam Quang (Bảo Lâm), nơi có điểm vàng Thẳm Siểm đang được cấp phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng. Vào mùa khô, khi tất cả các nguồn nước khác trong xanh thì dòng suối Nặm Đang lại đen ngòm với cặn bột đá và váng dầu. 

Bí thư Đảng ủy xã Nam Cao Ma Thế Thụ bức xúc cho biết: Từ khi Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng tiếp tục được cấp phép khai thác điểm vàng Thẩm Siểm (cuối tháng 4/2016) đến nay, dòng suối Nặm Đang đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số người dân đã lấy nước từ dòng suối này đưa vào ruộng lúa dẫn đến cây lúa không thể sinh trưởng được, mất trắng sản lượng. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước lẫn rất nhiều bột đá do nghiền đá lấy vàng từ điểm mỏ Thẳm Siểm chảy xuống, khi lắng lại như cát phủ kín mặt ruộng.

Chúng tôi đến Điểm vàng Thẳm Siểm được cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng từ cuối tháng 4/2016 khai thác trong 1 năm. Theo báo cáo của Doanh nghiệp, hiện tại trong khu vực mỏ đang có 4 dây chuyền nghiền đá sử dụng công nghệ tuyển nước lọc vàng. Đá chứa kim loại vàng khai thác trong hang núi được đưa ra cho vào máy nghiền. Bột đá sau khi nghiền mịn được rửa và cho qua bàn rung để lấy vàng. Nước thải sau đó theo nguồn nước chảy về suối Nặm Đang.

Giám đốc Doanh nghiệp Ma Thế Dũng thừa nhận, từ khi được cấp phép tạm thời khai thác lại đến nay đơn vị chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết. Nước thải chưa qua xử lý vẫn được xả trực tiếp ra môi trường. Ông Dũng cho rằng việc cấp phép khai thác thời hạn trong 1 năm như hiện nay gây khó cho doanh nghiệp trong đầu tư các công trình bảo vệ môi trường vì không biết sang năm hết hạn có được cấp phép lại không! Doan nghiệp cũng kiến nghị tỉnh cần cấp phép dài hạn hơn để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư cho môi trường.

 
Tháng 8 năm 2016, trong cuộc tiếp xúc tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bảo Lâm và đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm, cử tri xã Nam Cao đã kiến nghị Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng phải có biện pháp khắc phục hậu quả môi trường, bồi thường thiệt hại cho các diện tích canh tác bị thiệt hại của nhân dân xóm Nặm Đang. Sau đó, Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng đã hỗ trợ bồi thường sản lượng cho 4 hộ dân xóm Nặm Đang hơn 15 triệu đồng. Hộ được bồi thường nhiều nhất là Ma Văn Phong được 5,4 triệu đồng, ít nhất là Nhàn Văn Hải được hơn 2,4 triệu đồng.
 
Chủ tịch UBND xã Nam Cao Ma Thế Sỹ cho biết thêm: Nặm Đang có 54 hộ thì có hơn 20 hộ bị ảnh hưởng ít nhiều do hoạt động xả thải chưa qua xử lý của Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 7 - 8 ha dọc theo suối Nặm Đang. Việc doanh nghiệp chỉ đền bù cho 4 hộ dân Nặm Đang như trên là chưa hợp lý vì đây chỉ là đền bù sản lượng cho 1 vụ; một số hộ diện tích bị ảnh hưởng ít cũng chưa kê khai. Trong khi đó, ảnh hưởng của nước thải với đất canh tác của nhân dân là lâu dài, chưa biết đến khi nào mới được khắc phục triệt để. Xã đề nghị các ngành chức năng cần yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường.

Cũng tại khu vực xã Nam Quang và Tân Việt đang có điểm mỏ Khùng Khoàng được cấp phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông. Nước xả thải từ điểm vàng này đang chảy qua xóm Pác Ròm, xã Nam Quang trước khi đổ vào sông Gâm phía trên thị trấn Pác Miều, gần cầu treo Nam Quang. Trưởng xóm Pác Ròm Sùng Văn Thành cho biết: Suối Pác Ròm qua địa phận xóm là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của 23 hộ dân và gần 300 học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Pác Ròm. 

Từ khi Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông tổ chức khai thác vàng tại Khùng Khoàng, mỗi khi xả thải, nước thải đen ngòm chảy qua suối gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước Pác Ròm. Người dân ở đây đã không thể sử dụng nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày vì nước đã quá ô nhiễm, thậm chí không thể dùng để tắm, giặt quần áo chứ đừng nói đến ăn, uống. Ông Thành kiến nghị ngành chức năng của tỉnh và huyện Bảo Lâm cần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, trả lại nguồn nước trong lành cho người dân.

Được biết, 2 Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng và Nguyễn Đông đã được cấp phép khai thác vàng tại khu vực xã Nam Quang, Tân Việt (Bảo Lâm) đã nhiều năm. Đây cũng là 2 doanh nghiệp có thực hiện khá tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách địa phương. Năm 2016, 2 doanh nghiệp này đã nộp thuế hơn 4 tỷ đồng (Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông nộp 2 tỷ 328 triệu đồng và Doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng nộp 1 tỷ 676 triệu đồng). Tuy nhiên, việc cả 2 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân cần được các ngành chức năng kiểm tra xử lý, yêu cầu doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường.

                                                              Nhóm PV Kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Doanh nghiệp khai thác vàng ở Bảo Lâm gây ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO